Hoa Phong Lữ Thảo: Nguồn gốc, đặc điểm, phân loại, ý nghĩa

Hoa Phong Lữ Thảo: Nguồn gốc, đặc điểm, phân loại, ý nghĩa

  • Thứ ba - 14/11/2023 22:36
  • Tiện ích: 
  •  
  •  
  •  

Hoa phong lữ thảo là một loài cây thân thảo sống lâu năm, màu sắc tươi sáng hấp dẫn. Hoa thường nở rộ vào mùa xuân góp sức tô điểm cho đất trời thêm phần xinh đẹp, tươi mới. Mang vẻ đẹp độc đáo, sang trọng nên loài hoa này được nhiều người yêu thích lựa chọn trang trí làm đẹp không gian, ngoài ra hoa còn có nhiều công dụng tuyệt vời khác như làm quà tặng, phục vụ ngành công nghiệp hóa mỹ phẩm.

Hoa phong lữ thảo có nguồn gốc từ đâu?

Theo sổ sách ghi chép lại thì hoa phong lữ thảo lần đầu tiên được tìm thấy vào năm 1789 tại khu vực Địa Trung Hải bởi các nhà thực vật học. Hoa sở hữu vẻ đẹp sang trọng, hấp dẫn cùng nhiều màu sắc đa dạng nên được nhiều nước lựa chọn nhân giống đem về trồng để làm cây tiểu cảnh trang trí, trong đó có Việt Nam.
 

y nghia hoa phong lu thao
Hoa phong lữ thảo hiện nay được trồng rất phổ biến và được nhiều người yêu thích

Ở nước ta, hoa phong lữ thảo được du nhập vào khá sớm, hoa thích hợp với những vùng có thời tiết khí hậu mát mẻ, độ ẩm cao nên phân bố chủ yếu ở khu vực phía Bắc, cụ thể là các tỉnh như: Sapa, Sơn La, Mộc Châu, Hà Nội, ngoài ra ở vùng Tây Nguyên như Đà Lạt – Lâm Đồng cũng rất phổ biến.

Cây phong lữ thảo có tên khoa học là Pelargonium zonale, tên tiếng anh là Geranium. Loài hoa này có khá nhiều tên gọi khác nhau chẳng hạn như cây phong lữ, thiên trúc quỳ, hoa mỏ sếu. Tuy thích hợp với khí hậu mát mẻ, nhưng loài hoa này vẫn có khả năng thích nghi với nhiều kiểu thời tiết khác nhau, ở Việt Nam hoa được trồng và cho hoa quanh năm.

Đặc điểm nhận biết hoa phong lữ thảo

Cây phong lữ thuộc dạng thân thảo, mọc thành từng bụi, tuổi thọ trung bình lên đến vài năm. Cây càng già thì sẽ hóa thành gỗ và trở nên cứng cáp hơn. Cây có chiều cao trung bình chỉ khoảng 40cm đến 50cm, mọc thẳng đứng, có hình trụ và mọng nước. Cây mọc khá sum suê tươi tốt, phân thành nhiều nhánh, bên ngoài được phủ một lớp lông tơ mỏng.

Lá của cây phong lữ có đường kính lớn, hình tròn (nhìn sơ qua rất giống hình dạng lá bầu bí ở Việt Nam), phiến lá có nhiều răng cưa nhỏ, màu xanh lục, bề mặt có nhiều lông nhám và gân nổi rõ, còn mặt dưới lại nhẵn bóng.
 

y nghia hoa phong lu thao 1
Cây phong lữ thường được trồng trong chậu để treo lên cao trang trí không gian

Hoa phong lữ thảo thường mọc ở phần ngọn cây thành từng chùm, mỗi chùm có rất nhiều bông hoa nhỏ kết lại với nhau. Hoa có 5 cánh xếp thành hình vòng tròn, ở giữa có nhụy hoa. Bông hoa nhỏ xinh có kích thước không đồng đều với màu sắc vô cùng rực rỡ, đang dạng bao gồm màu tím, đỏ, cam, vàng, trắng, hồng. Quả của cây phong lữ thường có hình dạng mỏ sếu, vì vậy mà hoa còn được gọi là hoa mỏ sếu.

Loài hoa này cho hoa quanh năm, cây sẽ cho hoa sau khoảng 90 ngày gieo trồng. Đặc biệt khi vào mùa xuân thời tiết se lạnh nên hoa nở rộ, mỗi đợt nở kéo dài khoảng 2 tuần. Mùa hoa kéo dài từ mùa xuân cho đến hết mùa hè hàng năm. Hoa không chỉ đẹp, dễ thích nghi với nhiều kiểu đất đai, dễ trồng mà còn có giá thành khá rẻ, ít bị sâu bệnh gây hại nên được nhiều người yêu thích lựa chọn trồng làm cảnh.

Phân loại hoa phong lữ thảo phổ biến hiện nay

Hiện nay, hoa phong lữ thảo được trồng khá nhiều ở Việt Nam, để phân loại hoa người ta dựa vào hai đặc điểm cơ bản đó là hình tháng thân cây và hình dáng bông hoa.
 

y nghia hoa phong lu thao 2
Cây phong lữ dạng đứng thích hợp để đặt trước hiên nhà, lối ra vào
  • Dựa vào hình dáng thân cây: Với tiêu chí dựa vào hình dạng bên ngoài của cây thì hoa phong lữ được chia làm 2 loại đó là hoa phong lữ thảo đứng và hoa phong lữ thảo rũ. Ở dạng đứng cây hoa sẽ mọc vươn cao, thẳng đứng, cây phân thành nhiều nhánh nhỏ khác nhau. Còn ở dạng rũ cây phong lữ sẽ có cành, lá và hoa mọc rũ xuống dưới hoặc tỏa ra khắp xung quanh chậu hoa vô cùng mềm mại.
  • Dựa vào đặc điểm bông hoa: Dựa vào hình dáng của những bông hoa thì cây hoa phong lữ thảo cũng được chia làm hai loại đó là phong lữ đơn và phong lữ kép. Hoa đơn tức là trên mỗi bông chỉ có một lớp cánh hoa gồm 5 cánh, còn hoa kép là mỗi chùm hoa có nhiều bông hoa, mỗi bông có nhiều hơn 5 cánh và nhiều lớp cánh xếp chồng lên nhau, màu sắc đa dạng.

Ý nghĩa hoa phong lữ thảo qua màu sắc

Phong lữ thảo là một loài hoa mang vẻ đẹp vô cùng rực rỡ và độc đáo, hoa không chỉ đẹp về hình thức bên ngoài mà còn ẩn chứa nhiều ý nghĩa biểu tượng sâu sắc, tích cực thông qua từng màu hoa, cụ thể:

1. Ý nghĩa hoa phong lữ thảo màu hồng

Sắc hồng tượng trưng cho một tình yêu đẹp, một thứ tình cảm ngọt ngào, lãng mạn, yêu thương nồng nàn của các cặp đôi dành cho nhau. Chính vì vậy mà vào các dịp lễ quan trọng như valentine, kỷ niệm ngày cưới, ngày yêu nhau, ngày quốc tế phụ nữ, ngoài các loại hoa quen thuộc như hoa hồng, hoa cẩm tú cầu, hoa dạ lan hương thì nam giới cũng có thể lựa chọn ngay một chậu phong lữ hồng để gửi tặng đến một nửa yêu thương của mình.
 

y nghia hoa phong lu thao 3
Phong lữ hồng tượng trưng cho sự nồng nàn, ngọt ngào của tình yêu đôi lứa

2. Ý nghĩa hoa phong lữ thảo màu đỏ

Nếu hoa hồng đỏ, hoa Tulip đỏ thể hiện tình yêu nồng cháy, mãnh liệt của đôi lứa yêu nhau thì cây phong lữ đỏ lại tượng trưng cho sự ấm áp, tình yêu thương sâu đậm, thắm thiết của mọi người trong nhà dành cho nhau. Hoa đại diện cho tình cảm gắn kết gia đình, một thứ tình cảm thiêng liêng không có bất kỳ thứ gì có thể so sánh được.

3. Ý nghĩa hoa phong lữ thảo màu trắng

Màu trắng luôn là màu của sự trong trắng, sang trọng, tinh khôi và thuần khiết, vì vậy hoa phong lữ trắng tượng trưng cho vẻ đẹp thanh cao, trong sáng của những cô gái vừa đẹp người vừa đẹp nết. Ngoài ra, hoa còn nói về tình anh em, tình bạn bè bằng hữu thân thiết đáng trân quý.
 

y nghia hoa phong lu thao 4
Phong lữ trắng thích hợp để làm quà tặng gửi đến những người bạn thân thiết

4. Ý nghĩa hoa phong lữ thảo màu tím

Hoa phong lữ tím mang ý nghĩa không mấy tốt đẹp, không phải là tình yêu, sự chung thủy son sắt mà hoa tượng trưng cho nỗi buồn, sự đau khổ của những người con gái không gặp may mắn trong tình yêu. Có thể là yêu đơn phương, sự chia ly, bị bỏ rơi phũ phàng hoặc cũng có thể là nỗi buồn chơi vơi của những người con gái quá lứa không có ai tâm sự, bầu bạn.

Những lợi ích tuyệt vời mà cây phong lữ thảo mang đến

Tuy khá nhỏ bé, mềm yếu nhưng cây phong lữ thảo lại mang đến rất nhiều những công dụng tuyệt vời mà ít loài hoa nào có được. Hoa được trồng để làm cây tiểu cảnh trang trí, giúp giải tỏa căng thẳng, mệt mỏi, làm quà tặng ý nghĩa hoặc dùng để sản xuất các loại mỹ phẩm làm đẹp cho chị em phụ nữ, cụ thể những công dụng như sau:
 

y nghia hoa phong lu thao 8
Hoa phong lữ được dùng để sản xuất các loại tinh dầu, mỹ phẩm làm đẹp tuyệt vời
  • Làm cây cảnh: Cây phong lữ thảo có thân hình mềm mại, chiều cao hạn chế nên thường được trồng ở trong chậu đặt dưới đất hoặc treo thành giàn trang trí làm đẹp. Cây thích hợp với mọi không gian, có thể đặt ở trong nhà, phòng khách, ban công, cửa sổ, lối ra vào, sân thượng, văn phòng, công ty, quán cà phê, nhà hàng, khách sạn.
  • Thư giãn tinh thần: Ngoài vẻ đẹp hấp dẫn thì cây phong lữ thảo còn có mùi thơm nhẹ nhàng, chưng hoa trong không gian sinh hoạt sẽ giúp chúng ta cảm thấy thoải mái, tràn đầy năng lượng làm việc, giảm căng thẳng, stress hiệu quả.
  • Làm quà tặng: Hoa mang nhiều ý nghĩa tốt đẹp nên chúng ta có thể sử dụng để làm những món quà gửi tặng đến bạn bè, người yêu, đồng nghiệp thân thiết. Hoa mang nhiều màu sắc khác nhau, mỗi màu lại tượng trưng cho một ý nghĩa riêng biệt, vì vậy nên chú ý đối tượng cần tặng để chọn hoa cho phù hợp. Ví dụ người yêu thì nên tặng phong lữ hồng còn bạn bè thì nên tặng phong lữ tím, anh chị em trong gia đình thì tặng phong lữ đỏ.
  • Chiết xuất mỹ phẩm: Cây hoa phong lữ vừa có mùi thơm vừa chứa nhiều tinh dầu nên được dùng để chiết xuất các loại nước hoa, kem bôi da phục vụ nhu cầu làm đẹp của chị em phụ nữ. Ngoài ra, tinh dầu hoa phong lữ còn có khả năng đuổi các loài côn trùng có hại như ruồi muỗi, phòng trừ các loại vi khuẩn, nấm mốc hiệu quả.
  • Tốt cho sức khỏe: Theo nghiên cứu thì cây phong lữ không độc hại, phần lá cây có thể được phơi khô để pha uống hằng ngày thay trà. Nước lá rất tốt cho sức khỏe giúp tăng sức đề kháng, chống lại bệnh tật, đẹp da, sáng da.

Cách trồng hoa phong lữ thảo tại nhà đơn giản

Phong lữ thảo có màu sắc hấp dẫn, thích hợp để làm cây cảnh trang trí không gian vườn nhà. Vì vậy, hãy tự trồng hoa để mang lại không gian sống ý nghĩa tuyệt vời hơn. Loài hoa này khá dễ trồng và chăm sóc, dưới đây là hướng dẫn 2 cách trồng cây phong lữ thảo, mọi người có thể tham khảo và áp dụng ngay.

1. Trồng hoa phong lữ thảo bằng cách giâm cành

Cách trồng này khá đơn giản, sau khi chuẩn bị đất trồng chu đáo, chúng ta tiến hành chọn giống. Trên cây mẹ, chọn những cành khỏe mạnh, đủ độ già và dùng dao sắc nhọn cắt vát lấy một nhánh khoảng 10cm, nhưng trên đó cần có 2 – 3 mắt mầm. Sau khi cắt đem ngâm phần gốc vào dung dịch kích rễ để giúp cây nhanh chóng ra rễ.
 

y nghia hoa phong lu thao 9
Trồng hoa phong lữ thảo bằng cách giâm cành sẽ giúp rút ngắn thời gian chăm sóc, sớm cho hoa

Tiếp theo chúng ta đào hố và giâm cành vào các bầu đất đã tạo sẵn, sau một thời gian cây ra lá thì đem vào trồng trong chậu. Hoặc cũng có thể giâm cành trực tiếp vào chậu để không mất thời gian bứng cây. Sau khi giâm cành cần đảm bảo đất có đủ độ ẩm thường xuyên thì mới có thể nảy mầm và ra lá.

2. Trồng hoa phong lữ thảo bằng cách gieo hạt

Cách trồng hoa phong lữ thảo bằng phương pháp gieo hạt tuy mất khá nhiều thời gian chăm sóc nhưng cũng rất đơn giản. Cần chọn hạt giống khỏe mạnh, không bị sâu bệnh, nên tìm mua giống ở các cửa hàng giống hoa nhập khẩu để đảm bảo sức nảy mầm tốt, cho hoa đẹp.

Chọn đất trồng loại đất thịt có chứa nhiều chất dinh dưỡng, thêm vào một ít tro trấu, xơ dừa, phân lân trộn đều, cho vào chậu (chú ý chậu cần có các lỗ thoát nước để tránh bị úng thối). Hạt giống nên ngâm với nước ấm và ủ trước 1 – 2 hôm để kích thích khả năng nảy mầm. Rải hạt giống lên mặt đất, lấp một lớp đất mỏng lên hạt rồi dùng rơm khô che phủ lên.

Trường hợp nếu gieo hạt trên luống thì nên đảm bảo hạt cách hạt 5cm, hàng cách hàng 2cm. Sau khi hạt nảy mầm thì chúng ta cần bỏ lớp che chắn để cây phát triển. Khi cây cao khoảng 5 – 7cm, có 3 lá thì nên bứng vào chậu để dễ chăm sóc và trang trí, thông thường từ khi gieo hạt đến khi hoa nở sẽ mất 3 – 4 tháng.
 

y nghia hoa phong lu thao 10
Nếu trồng bằng phương pháp gieo hạt thì cần chọn hạt giống khỏe mạnh

3. Cách chăm sóc hoa phong lữ thảo đúng cách

Sau khi cây nảy mầm, cần đảm bảo đầy đủ các yếu tố như lượng nước, bón phân, ánh sáng, nhiệt độ thích hợp thì hoa mới phát triển tươi xanh, cho hoa đúng mùa và đẹp màu. Đối với cây phong lữ thì chúng ta cần chú ý những vấn đề cơ bản sau:

  • Lượng nước: Đây là loài hoa ưa ẩm, ưa nước nên chúng ta nên tưới nước thường xuyên, tốt nhất nên tưới ngày hai lần sáng tối, đảm bảo đất có đủ độ ẩm. Nên tưới bằng xoa, hệ thống phun sương để tránh xói mòn gốc, cũng nên chú ý không để cây ngập nước thường xuyên có thể gây thối gốc.
  • Nhiệt độ, ánh sáng: Hoa có thể sống tốt trong điều kiện ánh sáng vừa phải, nhưng nếu đảm bảo đủ ánh sáng thì cây sẽ thực hiện quá trình quang hợp tốt hơn. Trường hợp nắng nóng quá gay gắt thường xuyên thì cần di chuyển chậu qua gỗ râm mát hoặc che chắn cho cây tránh để chết héo.
  • Bón phân: Khi cây lên tươi xanh, đặc biệt là gần thời kỳ ra hoa thì nên bón phân đầy đủ để cây có đủ dưỡng chất nuôi thân, nuôi hoa. Theo định kỳ thì cứ khoảng 3 tuần bón phân một lần. Do thuộc loại cây thân thảo nên mỗi lần chỉ nên bón khoảng 1 muỗng phân lân, tốt nhất nên hòa tan trong nước rồi tưới cho cây để hấp thụ tốt hơn.
  • Phòng ngừa sâu bệnh: Loài hoa này có khả năng phát triển mạnh, ít bị sâu bệnh phá hoại. Tuy nhiên, nếu gặp sâu cắn lá hay sâu đục thân thì nên tiêu diệt tận gốc bằng cách sử dụng thuốc trừ sâu chuyên dùng cho hoa.

Những chậu phong lữ thảo đung đưa trong gió giúp tô điểm cho không gian thêm phần hấp dẫn, sinh động. Không chỉ vậy, hoa còn lọc sạch bụi bẩn, đem đến không khí trong lành, mát mẻ, thoải mái. Hãy cùng nhau trồng những cây hoa trong vườn nhà để cuộc sống thêm phần tươi đẹp, ý nghĩa các bạn nhé!

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Messenger
Zalo
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây