Hoa Tam Giác Mạch | Khoe sắc dịu dàng giữa tiết trời Hà Giang
Khi tiết trời bắt đầu se lạnh, toàn bộ núi rừng Hà Giang như được bao phủ bởi một lớp hoa tam giác mạch ngọt ngào, quyến rũ, ngây thơ đến xao động lòng người. Hoa không chỉ mang lại vẻ đẹp tuyệt vời, góp phần tô điểm cho núi rừng Tây Bắc thêm phần sống động, mà còn được tổ chức thành những lễ hội hoa tam giác mạch để phục vụ khách du lịch khắp năm châu hội tụ về đây chiêm ngưỡng, tận hưởng những điều tuyệt vời, thú vị nhất.
Tìm hiểu nguồn gốc ra đời của hoa tam giác mạch
Chuyện kể rằng, ngày xửa ngày xưa có nàng Tiên Ngô và nang Tiên Gạo đi gieo hạt giống dưới trần gian, sau khi gieo hạt phần mày trấu và mày ngô không biết nên để làm gì nên họ quyết định đưa đổ hết vào khe núi. Còn phần lúa ngô lớn lên cho hạt và người dân mang về làm thức ăn.
Thế nhưng chỉ được một thời gian thì lương thực cạn kiệt, mà vụ mùa tiếp theo vẫn chưa đến ngày. Cái đói cái cái khổ lại bủa vây xóm làng. Vì vậy, mọi người đã họp lại và bàn nhau tỏa ra các hướng tìm kiếm thức ăn. Đi khắp mọi nơi nhưng vẫn không hề tìm thấy bất cứ thứ gì có thể ăn được.
Vào một hôm nọ, tự nhiên trong không gian tỏa ra một mùi thơm thoang thoảng rất lạ, chưa bao giờ ngửi được. Mọi người kéo nhau tìm đến nơi khe núi thì thấy một rừng hoa mọc lên ở đó. Những bông hoa nhỏ li ti mang một màu sắc vô cùng đẹp mắt, khi đậu hạt dân làng đem về ăn và thấy ngon, từ đó dùng nó để làm thực phẩm. Vì được nảy mầm từ mày ngô và lúa, hình dạng tam giác nên được gọi là tam giác mạch.
Đặc điểm hình thái hoa tam giác mạch
Hoa tam giác mạch ra đời dựa trên sự tích một loài hoa cứu đói cho tất cả dân làng. Hoa thường sinh trưởng và phát triển mạnh ở vùng phía Bắc nước ta, đặc biệt là Hà Giang, quê hương của loài hoa này. Ngoài ra, hoa còn được trồng ở một số vùng khác như Cao Bằng, Yên Bái, Đà Lạt, tuy nhiên với số lượng không nhiều và không phổ biến.
Loài hoa này thuộc loại thân thảo, thân khá mềm, có màu đỏ hoặc xanh, hình trụ, phân thành nhiều nhánh, chiều cao trung bình khoảng từ 0.4 – 1.7m. Lá đơn, có dạng hình tim, đầu lá hơi nhọn, không có cuống và trên mặt lá có nhiều gân. Hoa lưỡng tính, lúc đầu nở sẽ có màu trắng sau đó chuyển dần sang màu hồng nhạt hoặc màu đỏ thắm, mọc ở đầu ngọn cây hoặc ở nách lá thành từng chùm.
Mỗi chùm hoa có rất nhiều hoa nhỏ, 5 cánh hoa, ở giữa có nhụy hoa và nhị hoa đầy đủ màu vàng nhạt. Hoa có vòng đời ngắn, chỉ khoảng 1 tháng, hoa thường nở rộ vào tháng 10 đến tháng 11 dương lịch hàng năm. Sau khi hoa tàn sẽ cho quả, khi còn non sẽ có màu xanh, khi già chín có màu xám đen, bên trong có màu trắng ngả vàng.
Đặc biệt hạt của cây tam giác mạch thường được dùng để làm thực phẩm, có thể chế biến một số món ăn ngon tuyệt vời như bánh tam giác mạch, ngâm nấu rượu, nguyên liệu làm đẹp cho chị em phụ nữ. Phần lá non được dùng để luộc làm thức ăn kèm với cơm, nấu lẩu gà, khi già phần thân cây và lá sẽ được sử dụng làm dược liệu chữa bệnh.
Ý nghĩa của hoa tam giác mạch
Hoa tam giác mạch không chỉ mang một nét đẹp nhẹ nhàng, ngây thơ, quyến rũ mà hoa còn mang trong mình những ý nghĩa biểu tượng tuyệt vời. Hoa tượng trưng cho tình yêu đôi lứa ngọt ngào, trong sáng, son sắt, thủy chung, mong muốn được ở bên nhau và sống hạnh phúc mãi mãi.
Tuy chỉ là loài cây thân thảo, nhưng tam giác mạch có sức sống mãnh liệt, vươn lên tươi tốt, cho hoa đẹp mắt giữa tiết trời giá lạnh. Vì vậy hoa hoa còn tượng trưng cho sự mạnh mẽ, dám đối đầu với thử thách, vượt qua mọi khó khăn, chông gai để bước về phía trước tìm sự sống.
Hoa không chỉ mang sứ mệnh tô điểm cho núi rừng Tây Bắc thêm phần sống động, hấp dẫn mà còn được người dân nơi đây sử dụng để làm thực phẩm hàng ngày. Tất cả các bộ phận trên cây hoa đều mang lại nhiều lợi ích tuyệt vời, vì vậy hoa tam giác mạch luôn được dân làng yêu quý, trân trọng và bảo vệ.
Hoa tam giác mạch khoe sắc dịu dàng giữa tiết trời Hà Giang
Cứ vào khoảng tháng 10 đến tháng 11 dương lịch hàng năm, khi thời tiết Hà Giang bắt đầu se lạnh cũng là lúc loài hoa tam giác mạnh bắt đầu khoe sắc. Nhìn đâu đâu cũng chỉ thấy một màu hồng tươi thắm của hoa, hoa mọc khắp mọi nơi có thể là mọc thành rừng, thành vườn hoặc mọc rải rác ở hai bên lối đi.
Tam giác mạch phân bố chủ yếu ở tỉnh Hà Giang, cụ thể là các huyện như: Lũng Cú, Đồng Văn, Hoàng Su Phì, Phố Cáo, Xín Mần, Lũng Táo, Sủng Là. Đặc biệt, hoa được xem là đặc sản tuyệt vời của núi rừng Tây Bắc, mang giá trị văn hóa cao cả nên được chính quyền nơi đây tổ chức thành các lễ hội nhằm quảng bá du lịch, thu hút du khách trong và ngoài nước đến đây tham quan.
Với tiết trời đầu đông se lạnh, Hà Giang như khoác lên mình một màu hồng nhẹ nhàng quyến rũ của hoa tam giác mạch. Vẻ đẹp ngọt ngào, mong manh làm say đắm bao tâm hồn yêu hoa, như mời gọi mọi người đến đây để chiêm ngưỡng và trải nghiệm những điều tuyệt vời nhất. Địa điểm tổ chức lễ hội hoa tam giác mạch ở Hà Giang thường diễn ra tại Quảng trường trung tâm thị trấn Đồng Văn.
Như thường lệ, mỗi năm một lần, tỉnh Hà Giang lại tổ chức lễ hội mùa hoa tam giác mạch. Nếu mọi người muốn tham quan, trải nghiệm thì hãy đến đây vào khoảng đầu tháng 10 dương lịch cho đến cuối tháng 12. Nhưng nếu không thể đến được thì vào khoảng độ tháng 3 – tháng 4 dương lịch, ra Tết bạn cũng có thể đến tỉnh Cao Bằng để chiêm ngưỡng loài hoa này.
Giá trị sử dụng của cây tam giác mạch
Hoa tam giác mạch mang lại nhiều lợi ích tuyệt vời cho người dân núi rừng Tây Bắc, chẳng hạn như tô điểm cho không gian trở nên xinh đẹp, làm thực phẩm trong các bữa ăn hàng ngày, phục vụ du lịch, làm dược liệu chữa trị bệnh. Dưới đây là chi tiết những công dụng thực tế của loài hoa này, mọi người có thể tham khảo.
1. Làm đẹp không gian núi rừng
Hoa tam giác mạch thường mọc thành từng vùng, trải rộng và bao quát khắp mọi nơi. Hoa có màu sắc đẹp mắt, hình dáng thanh mảnh, nhẹ nhàng nên góp phần làm đẹp cho không gian bản làng. Sau khi người dân thu hoạch ruộng vườn, nương rẫy cũng là lúc hoa tam giác mạch đua nhau mọc lên và khoe sắc. Khi hoa nở rộ còn thu hút nhiều cặp đôi đến đây để chụp những bộ ảnh cưới để đời.
2. Làm thực phẩm hàng ngày
Đối với người dân vùng Tây Bắc thì cây tam giác mạch là một trong những nguồn thực phẩm chính. Một số món ăn được chế biến từ loài cây này được kể đến như:
Bánh tam giác mạch:
Đây là một trong những món ăn đặc sản của người dân vùng cao Tây Bắc – Hà Giang. Bánh được làm từ hạt của cây tam giác mạch. Sau khi thu hoạch, phơi khô, hạt được nghiền mịn, nhào thành bột và qua bàn tay của các mẹ, các chị đã nắn bột thành những chiếc bánh tròn, dẹt vừa bằng gang tay. Sau khi nắn xong bánh sẽ được hấp chín hoặc nướng bằng than. Bánh mang giá trị dinh dưỡng cao, đồng thời có vị thơm ngon đặc trưng nên được nhiều người yêu thích và mong muốn được nếm thử khi đến đây, đặc biệt bánh ăn ngon nhất khi vừa mới hấp chín.
Món rau tam giác mạch:
Thân cây tam giác mạch khi còn non sẽ được người dân nơi đây hái tỉa và đem về rửa sạch luộc ăn kèm với bữa ăn như các loại rau thực phẩm khác. Đặc biệt, rau này khi cho vào món lẩu gà sẽ càng trở nên hấp dẫn, ngon miệng, khi ăn sẽ có cảm giác giòn, chua rất lạ miệng. Theo kinh nghiệm của bà con Hà Giang thì nên ăn rau khi cây bắt đầu ra hoa, tốt nhất là sau 20 ngày gieo trồng, lúc này rau sẽ đảm bảo vị chua thanh và giòn ngọt.
Mì tam giác mạch:
Hiện nay, không chỉ trong nước sử dụng loài thực phẩm bột tam giác mạch, mà các nước lớn trên thế giới như Nhật Bản, Hàn Quốc đã biết đến loại bột này và sử dụng để chế biến ra các sợi mì thơm ngon tuyệt vời được nhiều người yêu thích. Đặc biệt là món mì Soba của Nhật Bản, nếu được đặt chân đến đây một lần thì không thể không nếm thử món mì này.
Rượu tam giác mạch:
Nghề nấu rượu được xem là một nghề truyền thống của cao nguyên đá Đồng Văn. Loại rượu này chỉ mới xuất hiện khoảng 10 năm trở lại đây, khi nguồn thực phẩm đã đủ đầy thì người dân đã dùng hạt tam giác mạch để ngâm ủ và nấu rượu, không ngờ vị rượu lại đậm đà và tuyệt vời đến vậy. Cho đến hiện nay thì rượu đã trở thành một món đặc sản của vùng núi Tây Bắc, nếu ai được một lần đến đây thì chắc chắn sẽ được thưởng thức món rượu này.
3. Làm dược liệu chữa bệnh
Cây tam giác mạch không chỉ được dùng làm nguồn thực phẩm chính cho người dân vùng núi Tây Bắc, mà theo nghiên cứu thì loài cây này còn có khả năng chữa được nhiều chứng bệnh hiệu quả như:
- Lá và thân cây được hái về phơi khô hoặc để tươi sắc lên uống chữa được chứng táo bón, tiêu chảy, đau dạ dày, tăng huyết áp, bệnh đường máu, mỡ máu, ung thư trực tràng, xơ vữa mạch máu.
- Như đã nói ở trên phần lá non không chỉ được dùng để luộc, nấu canh, nấu lẩu gà thơm ngon hấp dẫn, mà món ăn này còn rất tốt cho sức khỏe con người, giúp cải thiện thính giác và thị giác.
- Dùng hạt tam giác mạch rửa sạch, sao vàng rồi nấu cháo giúp bồi bổ cơ thể, chữa viêm đường ruột, ra mồ hôi trộm, khó tiêu, đầy bụng.
- Dùng hạt tam giác mạch phơi khô, nấu nước uống thay trà hàng ngày giúp thanh nhiệt giải độc, tốt cho sức khỏe.
4. Nguyên liệu làm đẹp
Hạt tam giác mạch có chứa nhiều các loại vitamin như B, B1, B2, B3, B5, B6, B9, chúng có tác dụng giúp tóc và da con người khỏe mạnh hơn. Vì vậy, các chị em phụ nữ có thể dùng bột tam giác mạch để làm đẹp cơ thể bằng những cách đơn giản sau:
- Dùng bột tam giác mạch trộn với nước ấm nóng để làm sữa rửa mặt giúp tẩy sạch bụi bẩn, da sáng hồng khỏe mạnh.
- Kết hợp bột tam giác mạch với bột đậu nành, bột cám gạo trộn đều với nước đắp mặt nạ giúp da mềm mại, trị mụn, sáng khỏe hơn.
- Lấy bột tam giác mạch trộn đều với mật ong hoặc tinh dầu hoa trà để thoa lên mặt giúp tẩy da chết, làm dịu da, nuôi dưỡng da mềm mịn, hạn chế xuất hiện nếp nhăn.
- Dùng bột tam giác mạch để pha uống mỗi ngày như ngũ cốc sẽ giúp bạn có một làn da đẹp, trắng hồng, khỏe mạnh.
Kỹ thuật trồng và chăm sóc hoa tam giác mạch
Ở núi rừng Tây Bắc thì hoa tam giác mạch thường được gieo trồng thành từng vùng bạt ngàn vừa để làm đẹp cho không gian, phục vụ du lịch vừa làm thực phẩm thiết yếu cho đời sống con người. Vì hoa khá dễ trồng, nhanh cho hoa nên chúng ta cũng có thể trồng ngay tại nhà để làm cây cảnh trang trí, giúp nhà ở trở nên thơ mộng, đẹp đẽ, thoáng khí hơn.
Để trồng hoa, mọi người cần chuẩn bị: Hạt giống; Chậu trồng có lỗ thoát nước; Đất trồng loại có nhiều chất dinh dưỡng, tơi xốp; Dụng cụ hỗ trợ trồng cây như cuốc xẻng. Sau khi chuẩn bị xong các thành phần, chúng ta cần thực hiện theo các bước sau:
- Ngâm hạt giống: Hạt giống mua về đem ngâm trong với nước ấm trong khoảng 2 giờ, sau đó vớt ra ủ trong khăn mỏng khoảng 2 ngày để hạt nứt mép.
- Xử lý đất: Đất sau khi được đánh tơi xốp cho vào hơn nửa chậu; Còn nếu trồng ngoài vườn thì nên lên luống, chú ý nên chọn những khu vực cao, không bị ngập úng. Lưu ý, với những loài hoa thân thảo khác như cúc vạn thọ, hoa bất tử…thì khi chuẩn bị đất nên thêm vào ít phân lân để cây có đủ dưỡng chất. Nhưng đối với cây tam giác mạch thì không nên thêm vào vì có thể khiến phần rễ bị hư thối và chết cây.
- Gieo hạt: Sau khi hạt nứt mép, mọi người rải đều hạt giống lên mặt rồi phủ lên một lớp đất mỏng. Hoặc cũng có thể đào rãnh sâu 1 – 2cm và cho hạt giống xuống.
- Cách chăm sóc: Sau khi gieo hạt cần đảm bảo đất có đủ độ ẩm, ánh sáng để cây nảy mầm. Khi cây lớn nên cắm cọc chống đỡ để đảm bảo cây đứng vững, không bị gãy đổ, đồng thời có thể bón thêm phân, lân, đạm bằng cách pha loãng và tưới cho cây để cây lớn nhanh. Sau một tháng cây sẽ cho hoa và một tháng sau đó hoa sẽ tàn và đậu quả.
Một số hình ảnh đẹp vào mùa hoa tam giác mạch
Khi vào mùa, tất cả núi rừng Tây Bắc – Hà Giang như được thay áo mới, khoác lên mình một diện mạo mới vô cùng tuyệt vời. Dưới đây là những hình ảnh đẹp mắt, đặc sắc của mùa hoa tam giác mạch ở Hà Giang, mọi người có thể tham khảo thêm.
Những bông hoa tam giác mạch tuy nhỏ nhắn, xinh xắn nhưng lại có sức sống mãnh liệt, vượt qua mọi thời tiết khí hậu khắc nghiệt để vươn lên tươi tốt và cho hoa đẹp diệu kỳ. Nếu có dịp thì hãy đến Hà Giang khoảng tháng 10 đến tháng 12 dương lịch hàng năm để chiêm ngưỡng vẻ đẹp tuyệt vời của loài hoa này. Đây cũng chính là cơ hội để xả stress sau một năm làm việc mệt mỏi căng thẳng, đến đây bạn không chỉ được checkin, chụp hình sống ảo mà còn được thưởng thức nhiều món đặc sản tuyệt vời của núi rừng Tây Bắc.
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn