Hoa thược dược: Ý nghĩa và đặc điểm đặc trưng của loài hoa
Không chỉ được ưa chuộng và lựa chọn trang trí nhà cửa trong những dịp Tết đến xuân về mà hoa thược dược còn được nhiều người chưng trong những ngày thường với mong muốn mang lại sự may mắn, hạnh phúc và thành công đến với những người thân yêu trong gia đình.
Nguồn gốc xuất xứ của hoa thược dược
Hoa thược dược (tên khoa học là Dahlia variablis Desf) là loài hoa khá phổ biến và quen thuộc đối với chúng ta, có nguồn gốc từ đất nước Mexico. Hoa có nhiều màu sắc đa dạng đồng thời dễ sinh trưởng và phát triển nên nhanh chóng được các quốc gia trên thế giới lựa chọn trồng và xuất khẩu.
Thược dược thuộc họ hoa đồng tiền và hoa cúc, hoa còn có tên gọi khác là cúc đại lý, loài hoa cao quý này được lựa chọn làm Quốc hoa của Mexico và hai thành phố lớn San Francisco, Seattle (thuộc đất nước Hoa Kỳ).
Loài hoa này được du nhập vào Việt Nam vào thập niên 70, hiện tại hoa có mặt phổ biến trên khắp mọi miền tổ quốc, nhưng đặc biệt là hai làng hoa nổi tiếng ở miền bắc đó là làng hoa Ngọc Hà – thuộc quận Ba Đình – Hà Nội và làng hoa Nghi Tàm – Quận Tây Hồ – Hà Nội.
Đặc điểm cơ bản của hoa thược dược
Như đã nói ở trên, hoa thược dược thuộc họ nhà cúc nên phần thân và lá có nhiều nét tương đồng với cây hoa cúc. Thược dược là cây thân thảo, có vòng đời khá lâu năm, chiều cao trung bình từ 20cm – 150cm, thân thẳng đứng, phân thành nhiều nhánh.
Phần lá có hình trứng, mọc đối xứng nhau và có màu xanh đậm. Trên một cây có rất nhiều hoa, cánh hoa xếp chồng lên nhau theo hình vòng tròn khoảng 1 – 6 lớp, đường kính bông hoa khoảng từ 8cm – 10cm. Màu sắc đa dạng, phổ biến nhất là màu đỏ, tím, trắng, hồng, vàng, xanh, hoa có hai dạng đó là hoa kép và hoa đơn.
Hoa có khả năng sinh trường và phát triển ở mọi điều kiện thời tiết khí hậu, thường ra hoa vào tháng 9 (dương lịch) đến hết tháng 5 (dương lịch) năm sau, nhưng nở rộ nhất là vào mùa xuân, đây cũng là dịp Tết đến xuân về nên nhiều người lựa chọn thược dược để chưng Tết, đặt bàn thờ tổ tiên.
Hoa thược dược có thể được trồng trong chậu hoặc trồng thành vườn để trang trí không gian nhà ở, sân vườn bằng cách gieo hạt, giâm cành, nhân giống bằng củ. Giá hoa khá cao, đặc biệt là hoa thược tổ ong được xếp vào loại thược dược đắt nhất, đẹp nhất trên thế giới hiện nay nên được nhiều người ưa thích và đem lại một nguồn thu nhập đáng kể cho người dân.
Phân loại hoa thược dược
Theo các chuyên gia về nghiên cứu hoa thì hoa thược dược được phân loại dựa vào nhiều đặc tính khác nhau như màu sắc, dạng hoa và chiều cao, cụ thể:
- Phân theo màu sắc: Hoa thược dược có rất nhiều màu khác nhau, nhưng chủ yếu và thịnh hành nhất là màu đỏ, tím, vàng, xanh, trắng, cam, đen.
- Phân theo dạng hoa: Hoa thược dược có hai loại hoa đó là hoa đơn và hoa kép. Hoa đơn tức là trên bông hoa có ít hoặc nhiều cánh nhưng chỉ có duy nhất một lớp cánh hoa tạo thành. Hoa kép là bông hoa có rất nhiều cánh và được xếp từ 2 lớp hoa trở lên.
- Phân theo chiều cao: Dựa vào đặc tính này thì hoa thược dược được chia làm 3 loại đó là nhóm cây cao (trên 80cm) thích hợp để làm hoa cắt tỉa cành cắm bình hoặc xuất khẩu. Nhóm cao trung bình (dao động từ 40cm – 80cm) có thể trồng bồn, trồng chậu để cắt cành. Nhóm cây thấp (dưới 40cm) chủ yếu trồng trong chậu để trang trí, làm đẹp.
Ý nghĩa sâu sắc của hoa thược dược
Không chỉ mê hoặc lòng người bởi vẻ ngoài đa sắc màu, đẹp dịu dàng, cuốn hút và thược dược còn mang trong mình nhiều ý nghĩa vô cùng sâu sắc, triết lý về phong thủy, trong tình yêu, ngày lễ Tết, cụ thể:
1. Ý nghĩa hoa thược dược trong phong thủy
Ngoài công dụng được trồng làm đẹp không gian thì thược dược còn mang ý nghĩa về mặt phong thủy. Trồng hoặc chưng thược dược trong nhà với mong muốn đem lại thành công, may mắn, hưng thịnh cho gia đình.
Ngoài ra, thược dược còn có mang ý nghĩa hóa giải tất cả những vướng mắc trong công việc, tình yêu, hôn nhân, gia đình. Đây cũng chính là lá bùa hộ mệnh hay là một công cụ để giúp những người thân trong nhà tránh được nhiều rủi ro không đáng có.
Khác với hoa hồng, hoa Tulip hay các loài hoa khác mỗi màu tương ứng với một mệnh riêng biệt. Nhưng đối với thược dược đều phù hợp với 5 mệnh kim – mộc – thủy – hỏa – thổ, nên bạn không phải suy nghĩ hay lo lắng sợ không hợp mệnh khi lựa chọn hoa.
2. Ý nghĩa hoa thược dược ngày Tết
Ngoài những loài hoa ý nghĩa mà chúng ta có thể lựa chọn để chưng ngày Tết như hoa sen, hoa hướng dương, hoa lay ơn, lan hồ điệp thì bạn cũng có thể thay thế bằng thược dược. Với câu nói “Nhất lay ơn, nhì thược dược” cũng đủ cho thấy mức độ quan trọng và tính phổ biến của hoa.
Để chưng Tết chúng ta có thể lựa chọn hai chậu thược dược lớn đặt ở hai bên cửa ra vào hoặc cũng có thể cắt cành và cắm vào bình đặt lên bàn thờ, phòng khách, phòng bếp, cửa sổ. Thược dược mang ý nghĩa tượng trưng cho sự đủ đầy, sung túc, giàu sang trong cuộc sống, đồng thời mong muốn mang lại may mắn, hạnh phúc, năm mới an khang thịnh vượng cho gia đình.
3. Ý nghĩa hoa thược dược trong tình yêu
Thược dược cũng là một trong những sự lựa chọn hoàn hảo cho các cặp đôi đang yêu nhau. Một bó thược dược đỏ gửi đến người con gái trong những dịp valentine, ngày quốc tế phụ nữ, ngày sinh nhật cũng đủ để chứng minh được tình yêu, sự quan tâm của mình đối với nửa kia.
Ngoài ra, trong các lễ cưới hỏi thường dùng thược dược để trang trí lễ đường, điều này thể hiện tình yêu cao cả mà cả hai dành cho nhau. Đồng thời khẳng định một tình yêu chung thủy, hứa hẹn sẽ bên nhau đến suốt cuộc đời, cùng nhau bước qua mọi chông gai để đi đến bến bờ hạnh phúc.
4. Ý nghĩa hoa thược dược theo màu sắc
Như đã nói ở trên, thược dược đa sắc màu, mỗi màu thể hiện một ý nghĩa riêng biệt, chẳng hạn như:
- Thược dược đỏ: Màu đỏ là màu của sự đam mê cháy bỏng, màu của sự mãnh liệt, trào dâng của tuổi trẻ. Đồng thời màu đỏ mang ý nghĩa của sự ngọt ngào, hạnh phúc, viên mãn trong tình yêu đôi lứa.
- Thược dược trắng: Loài hoa này tượng trưng cho sự khởi đầu, đồng thời màu trắng cũng là màu của sự trong trắng, hồn nhiên, tinh khôi, dịu dàng, thánh thiện và giản dị của người con gái.
- Thược dược vàng: Màu vàng luôn là màu thể hiện sự giàu sang, thịnh vượng, màu của thần mặt trời. Vì vậy vào ngày Tết bạn nên lựa chọn thược dược vàng để trang trí không gian nhà ở nhằm mang lại hưng thịnh cho cả gia đình. Ngoài ra, màu vàng cũng tượng trưng cho sự hạnh phúc viên mãn lâu bền cho các cặp đôi yêu nhau, vợ chồng.
- Thược dược tím: Bản chất của màu tím là sự chung thủy, trước sau như một trong tình yêu. Khi yêu nhau hãy trao gửi đến nửa kia bó hoa thược dược tím sẽ thể hiện được tình cảm của đối phương dành cho nhau và luôn khẳng định sự sắt son, một lòng hướng về nhau.
- Thược dược xanh: Màu xanh màu của thiên nhiên, màu của sự sống và hy vọng. Chính vì vậy, chưng thược dược xanh thể hiện được mong muốn mọi điều diễn ra tốt đẹp, hy vọng một tương lai tương sáng, đủ đầy, sung túc.
- Thược dược đen: Loài hoa này chứa đựng một điều bí ẩn và lời cảnh báo về sự phản bội trong tình yêu, một khi đã phản bội thì sẽ không có kết cục tốt đẹp. Tuy nhiên, màu đen cũng mang ý nghĩa giúp con người chuẩn bị tinh thần và tâm thế để đón nhận mọi điều có thể xảy ra từ đó vượt qua dễ dàng hơn.
Công dụng tuyệt vời của hoa thược dược
Thược dược có rất nhiều công dụng tuyệt vời mà chúng ta nên biết đó là: Sử dụng để trang trí làm đẹp nhà cửa, làm nguyên liệu chữa bệnh, bán ra thị trường để thu lợi nhuận.
1. Công dụng trang trí
Thược dược trang trí nhà cửa không chỉ mang lại hiệu quả làm đẹp mà còn giúp lọc bụi bẩn, mang lại không khí trong lành, đồng thời làm phong thủy cho căn nhà, mang lại nhiều điều may mắn thuận lợi. Để trang trí làm đẹp không gian bạn có thể thực hiện bằng các cách sau:
- Mua thược dược ngoài chợ về, cắm vào bình hoặc mút xốp để đặt lên bàn ăn, bàn làm việc, phòng khách, phòng ngủ, cửa sổ.
- Mua hoặc tự trồng chậu thược dược về chưng ở cửa ra vào sẽ giúp căn nhà sáng sủa, hòa nhập với thiên nhiên hơn.
- Thược dược cũng là loài hoa cao quý, mang nhiều ý nghĩa sâu sắc nên chúng ta cũng có thể sử dụng để đặt lên bàn thờ ông bà, tổ tiên.
2. Công dụng đối với sức khỏe con người
Theo nghiên cứu, trong cây thược dược không có chứa chất độc hại mà ngược lại còn chứa nhiều chất có tác dụng bồi bổ cơ thể, bổ huyết tốt cho sức khỏe con người. Khi kết hợp với các vị thuốc khác có thể điều trị các chứng bệnh thông thường như ho lâu ngày không khỏi, ho khan khó chịu, rát họng, bệnh tiểu đường ở người già, chứng rong kinh ở phụ nữ.
3. Thu lợi nhuận từ hoa thược dược
Thược dược là loài hoa phổ biến nên được nhiều người lựa chọn sử dụng, chính vì vậy mà đầu ra cho loài hoa này khá lớn. Thông thường hoa sẽ được bán theo bó, mỗi một bó như vậy dao động từ vài chục đến vài trăm nghìn. Đặc biệt là thược dược tổ ong và thược dược miến là hai loại có giá thành khá cao, mang lại nguồn thu nhập cao cho người dân.
Hướng dẫn cách cắm hoa thược dược tươi lâu
Việc cắm hoa thược dược khá đơn giản, chúng ta có thể cắm vào bình hoặc vào mút xốp để trang trí mọi không gian sống. Dưới đây là chia sẻ bí quyết và hướng dẫn cách cắm thược dược vừa đẹp, đơn giản vừa tươi lâu.
Chuẩn bị:
- Bình hoa (1 cái) có thể là bình sứ hay bình thủy tinh, phần miệng nên dạng loe hay dạng chum.
- Hoa thược dược vừa đủ (màu sắc tùy chọn theo sở thích). Nên chọn những cành hoa to, có cả nụ, hoa, lá già, lá non để khi cắm lên đồng đều và đẹp hơn.
- Kéo cắt tỉa cành.
Thực hiện:
- Đổ nước vào khoảng 1/2 bình, không nên quá đầy bình sẽ khiến lá ngâm lâu trong nước sẽ bị thối.
- Đo chiều cao của hoa và bình sao cho cân đối, cắt bỏ phần cọng hoa dài không cần thiết.
- Loại bỏ bớt lá, nhất là những phần lá vàng úa, sâu bệnh, dập nát để tránh lây lan sang các cành hoa khác.
- Cắm hoa vào bình cho đều tay, cân chỉnh lại thấy hợp lý và đẹp mắt là được.
Cách giữ hoa tươi lâu:
- Trước khi cắm hoa nên ngâm trong nước khoảng vài tiếng, lưu ý chừa phần cánh hoa, không nên để ướt.
- Khi cắt cành hoa nên cắt vạt chéo khoảng 45 độ, không nên cắt bằng.
- Đặt hoa những ở những nơi có nhiệt độ mát mẻ, tránh ánh nắng trực tiếp chiếu vào.
- Trước khi cắm hoa nên cho vào lọ một ít bột Aspirin hoặc Vitamin B1 để giúp khử trùng, từ đó hoa sẽ tươi lâu hơn bình thường.
- Một cách nữa đó là cho vào bình một ít đường, giấm trắng khoảng 5 phút trước khi cắm, các chất này có tác dụng giúp hoa quang hợp tốt hơn.
Kỹ thuật trồng và chăm sóc hoa thược dược
Thược dược có khả năng sống và phát triển dễ dàng, thích hợp với nhiều điều kiện thời tiết, đất đai. Vì vậy, việc trồng hoa tại nhà để trang trí là một điều khá đơn giản.
1. Cách trồng hoa thược dược
Thược dược được trồng bằng nhiều cách như sử dụng hạt, củ hay giâm cành, nhưng chủ yếu áp dụng theo hai cách là gieo hạt và trồng củ.
Cách 1: Cách này chúng ta sẽ trồng thược dược bằng củ, phần giống cần được ngâm vào nước khoảng 30 phút trước khi trồng để tạo độ ẩm, kích thích nhanh lên mầm. Cho đất vào chậu khoảng 2/3, sau đó đào một lỗ chính giữa chậu. Nhẹ nhàng đặt giống vào, lấp đất và chừa khoảng 1/4 củ phía trên mặt đất, khi cây lên được khoảng vài cm thì nên cho đất vào lấp hết phần củ.
Lưu ý, không nên nén đất quá chặt cũng không nên lấp củ giống hoàn toàn trong đất vì sẽ khiến cây giống khó lên mầm. Trường hợp không thích trồng chậu bạn có thể tìm một khu vực bằng phẳng, xới tơi đất, thêm phân hữu cơ và trồng trực tiếp trên đất thành từng luống hoặc từng đám.
Cách 2: Trồng thược dược bằng hạt cũng rất đơn giản, trước khi gieo hạt cần ngâm trong nước ấm khoảng 2 tiếng, sau đó vớt ra và để ráo nước. Dùng chậu hoặc cũng có thể trồng trực tiếp xuống đất vườn, đất cần được xới tơi và đủ dưỡng chất.
Tiếp theo đào lỗ để rải hạt giống, đối với cách này chúng ta nên đào lỗ nông trên mặt đất, sau khi gieo hạt thì lấp một lớp đất mỏng, vì nếu lấp quá dày hạt sẽ không có đủ sức để nảy mầm. Cuối cùng là tưới nước vừa phải lên khu vực trồng để đất có đủ độ ẩm, kích thích hạt giống nhanh lên.
2. Chăm sóc hoa thược dược đúng cách
Sau khi gieo trồng, chúng ta cần biết cách chăm sóc thì cây mới phát triển tốt, cho hoa đúng màu, nở đúng dịp và không bị sâu bệnh, cụ thể:
- Kể từ khi trồng cho đến khi cây đâm chồi, nảy mầm chưa cứng cáp thì chúng ta chỉ nên tưới nhẹ nước, tốt nhất là dùng hệ thống phun sương. Vì nếu tưới mạnh có thể làm xói mòn đất, còn nếu tưới nhiều có thể khiến cây bị ngập úng, hư thối.
- Khi cây lên cao, đảm bảo sự sống thì nên bón thúc thêm phân đầu trâu hoặc phân NPK để đủ dinh dưỡng cho cây phát triển tốt. Cứ khoảng 3 – 4 tuần thì nên bón một lần, mỗi lần bón lượng vừa đủ, không nên lạm dụng quá nhiều có thể gây chết cây.
- Thược dược thích hợp với nhiệt độ từ 15 – 30 độ nên nếu trường hợp nắng nóng gay gắt có thể làm giàn che chắn cho hoa để tránh chết héo, khô lá.
- Nếu hoa bị các loại sâu bệnh tấn công thì có thể sử dụng thuốc trừ sâu để phun cho cây, nên chọn thuốc hữu cơ thay vì dùng thuốc hóa học.
- Cây thược dược khá yếu nên khi cho hoa chúng ta nên làm giàn hay cắm cọc cố định cây hoa để tránh trường hợp mưa gió bị gãy cành, hư hỏng.
Với những kiến thức cơ bản về hoa thược dược nói trên, hy vọng mọi người sẽ nắm rõ hơn về thông tin loài hoa này. Hãy trồng ngay một vườn hoa thược dược để mỗi sớm mai thức dậy được ngắm nhìn những bông hoa xinh đẹp, bạn sẽ thấy yêu đời, yêu cuộc sống hơn.
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn