Hoa thủy tiên: Nguồn gốc, đặc điểm, phân loại và ý nghĩa

Hoa thủy tiên: Nguồn gốc, đặc điểm, phân loại và ý nghĩa

  • Thứ ba - 14/11/2023 02:28
  • Tiện ích: 
  •  
  •  
  •  

Hoa thủy tiên là loài hoa có vẻ ngoài đặc biệt, ấn tượng, đa dạng về màu sắc, nên đây là loài hoa được nhiều người ưa chuộng. Vậy, loài hoa này có gì đặc biệt? Nguồn gốc loài hoa này đến từ đâu? Có bao nhiêu phân loại và ý nghĩa là gì? Hãy cùng tìm hiểu nhé.

Nguồn gốc của hoa thủy tiên

Tên khoa học của hoa thủy tiên là Narcissus tazetta L, tên tiếng Anh của hoa là Daffodil. Và đây cũng chính là quốc hoa của xứ Wales.

Tên khoa học của loài cây này cũng có một ý nghĩa về nguồn gốc của hoa. Theo huyền thoại, thì do thần Narcissus say mê vẻ đẹp của mình, luôn ngắm nhìn hình bóng của mình dưới nước mà biến thành cây hoa thủy tiên.

hoa thuy tien 6
Hình ảnh hoa thủy tiên

Có nhiều nghiên cứu khác nhau về nguồn gốc của hoa thủy tiên. Một số cho rằng, nguồn gốc của hoa đến từ xứ Inca, đây là là đế quốc lớn nhất tại Châu Mỹ vào thời kỳ tiền Columbus. Tuy nhiên cũng có nghiên cứu cho rằng loài hoa này có xuất xứ đến từ Địa Trung Hải.

Nhưng, theo bác sĩ Trần Văn Năm – nguyên Viện Phó Viện Y Dược học Dân tộc TP.HCM thì hoa này có nguồn gốc từ Nhật Bản và Trung Quốc.

Hiện nay, hoa thủy tiên đã có mặt và được trồng tại rất nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Tuy nhiên, cây sinh trưởng và phát triển tốt nhất ở những vùng có khí hậu mát mẻ, nhiệt độ thường dao động dưới 25 độ C.

hoa thuy tien 11
Hiện nay thủy tiên đã có mặt hầu hết mọi nơi trên thế giới với nhiều hình dạng, màu sắc khác nhau

Đặc điểm của cây hoa

Để nhận biết hoa thủy tiên, chúng ta có thể dựa theo những đặc điểm của cây hoa như:

  • Hoa: Hoa thủy tiên thường mọc đầu cành, có nhiều màu sắc khác nhau nhưng phổ biến nhất là loại hoa màu trắng, phần ở giữa có màu vàng. Loài hoa này khi nở, các cánh hoa màu trắng sẽ xòe rộng và mỗi một bông hoa thường có 6 cánh.
  • Lá: Lá thường có màu xanh đậm, có hình dáng thuôn dài, đầu lá có hình dáng hơi nhọn.
  • Thân cây: Có chiều cao khoảng 20 đến 60cm, thuộc dạng cây thân hành cứng.
  • Củ: Củ hoa thoạt nhìn sẽ khá giống với củ hành tây, nhưng củ thủy tiên sẽ mọc theo cụm, ở giữa là củ có kích thước lớn hơn hẳn và xung quanh là các củ nhỏ hơn gọi là củ con hay mầm sườn.

Hoa thủy tiên thường mọc thành bụi. Cây sẽ cho ra hoa từ tháng 12 đến tháng 4 hàng năm, tức là vào mùa xuân lúc thời tiết khá mát mẻ. Ngoài ra, cũng có một số loài thủy tiên khác nở vào mùa thu tùy vào thời gian trồng.

hoa thuy tien 8
Thủy tiên thường mọc thành bụi và nở hoa vào mùa xuân

Bên cạnh đó có một đặc điểm của hoa thủy tiên mà bạn cần hết sức lưu ý, vì nó không thể nhìn bằng mắt thường, đó chính là hoa thủy tiên có chứa các chất độc, gây ảnh hưởng đến sức khỏe thậm chí là tính mạng nếu chẳng may ăn phải.

Tất cả các bộ phận của cây như củ, hoa, cành hay lá đều có chất độc. Nhựa trong hoa và lá cũng có thể gây dị ứng. Nếu chẳng may ăn nhầm hay chỉ hít phải, tiếp xúc trực tiếp vào da, vào mắt sẽ khiến chúng ta gặp những triệu chứng như buồn nôn, đi ngoài và mạch đập nhanh nhưng yếu.

hoa thuy tien 12
Tất cả bộ phận của cây đều chứa chất độc nên khi tiếp xúc chúng ta cần hết sức lưu ý

Người bị ngộ độc nặng hơn sẽ cảm thấy tay chân lạnh, bắt đầu toát mồ hôi, thở lúc nhanh lúc chậm, bị choáng váng. Nặng hơn nữa có thể dẫn đến co giật, tê liệt thần kinh.

Vì vậy, khi lựa chọn loại hoa này thì chúng ta cần hết sức lưu ý. Vì chỉ cần hít hương hoa nhiều một chút cũng đủ để chúng ta cảm thấy choáng váng, mệt mỏi rồi. Nếu chúng ta thấy loại hoa này thì cách phòng tránh là không nên tiếp xúc trực tiếp quá nhiều. Sau khi tiếp xúc cần rửa tay ngay. Và đặc biệt là không ăn và để hoa tránh xa tầm tay của trẻ em, thú cưng và những người không hiểu biết về hoa.

Công dụng của hoa thủy tiên

Tuy có nhiều độc tố, nhưng nếu chúng ta biết cách chiết xuất điều chế, thì hoa có thể có những công dụng chữa bệnh như: Hỗ trợ chống ung thư, điều trị bệnh Alzheimer, có tác dụng giúp giảm đau, điều trị các chứng đau cơ, bong gân và đau khớp.

Ngoài ra, một số ít còn dùng thân rễ hoa để gây nôn và làm thuốc long đờm. Khi kết hợp với rễ cây cà độc dược sẽ có tác dụng giúp hỗ trợ điều trị bệnh hen suyễn, ho gà.

hoa thuy tien 4
Hoa thủy tiên được bào chế với liều lượng nhất định để hỗ trợ trị bệnh

Tuy có tác dụng trị bệnh nhưng ít nhiều cây có độc nên những năm gần đây người ta cũng ít dùng thân rễ để làm thuốc. Hiện nay, hoa thủy tiên được trồng chủ yếu là làm cảnh. Ngoài ra, bạn có thể dùng hoa này làm quà tặng vào những dịp đặc biệt cũng rất ý nghĩa như:

  • Tặng hoa dịp Tết: Như một lời chúc năm mới nhận được nhiều tài lộc, may mắn cho những người nhận được hoa.
  • Lễ tốt nghiệp: Tặng hoa thủy tiên trong lễ tốt nghiệp có ý nghĩa là chúc người nhận có một khởi đầu mới và tương lai tốt đẹp, thành công.
  • Thăm người bệnh: Thuỷ tiên tượng trưng cho một sức sống mãnh liệt, thể hiện sự mạnh mẽ, nên một lẵng hoa thủy tiên sẽ có ý nghĩa là khích lệ người bệnh mau chóng khỏi bệnh và có sức khỏe tốt trong tương lai.

Phân loại và ý nghĩa của hoa thủy tiên

Có một quan niệm rất nổi tiếng về hoa thủy tiên đó là nếu như hoa nở đúng vào chiều ngày 30 Tết và trước lễ cúng mời ông bà tổ tiên, trước bữa tất niên thì chính là điềm lành đại cát, báo hiệu một năm mới sung túc, phát tài, phát lộc cho gia đình. Bên cạnh đó, hiện nay hoa thủy tiên có rất nhiều màu khác nhau và mỗi màu hoa sẽ có những ý nghĩa cụ thể như sau.

1. Hoa thủy tiên trắng

Đây là phân loại hoa phổ biến và nổi tiếng nhất, đặc biệt là tại Việt Nam. Hoa thủy tiên với những cánh hoa màu trắng chính là biểu tượng cho sự chân thành. Những bông hoa màu trắng nổi bật trên nền xanh lá mang lại cảm giác nhẹ nhàng, tinh khiết.Vì vậy, đây chính là một món quà rất phù hợp để tặng cho người thân, bạn bè, người yêu, đồng nghiệp,…

hoa thuy tien 7
Hoa thủy tiên trắng là loại hoa phổ biến nhất hiện nay

Với thủy tiên trắng, chúng ta thường thấy phần ở giữa màu vàng nhưng nhiều nơi, phần giữa sẽ có nhiều loại màu khác như màu đỏ, màu hồng, màu cam,…

hoa thuy tien 3
Thủy tiên trắng với phần cánh giữa màu đỏ độc đáo

2. Hoa thủy tiên vàng

Những cánh hoa màu vàng của thủy tiên chính là biểu tượng cho sự vương giả và quyền quý. Bạn có thể dùng loại hoa này trong những buổi lễ, buổi tiệc quan trọng. Hoặc bạn cũng có thể tặng chúng cho những người mà bạn quý mến, kính trọng.

hoa thuy tien 9
Hoa thủy tiên vàng

Bên cạnh loại hoa thủy tiên vàng có phần giữa màu vàng đồng nhất với màu cánh hoa bên ngoài, thì còn có loại hoa thủy tiên có cánh bên ngoài màu vàng và phần giữa có màu cam.

hoa thuy tien 20
Thủy tiên vàng với phần giữa màu cam

3. Hoa thủy tiên đỏ

Những bông hoa với sắc đỏ luôn là biểu tượng của sự may mắn và hạnh phúc. Thủy tiên đỏ có thể dùng cho những dịp lễ tết ngụ ý cầu mong những điều tốt lành đến với gia đình. Thủy tiên đỏ còn biểu tượng cho sự thành công trong công việc, phát lộc phát tài nên bạn có thể dùng để tặng cho những người thân yêu những dịp đặc biệt.

hoa thuy tien 10
Hoa thủy tiên đỏ

4. Hoa thủy tiên hồng

Những bông hoa thủy tiên có cánh hoa màu hồng nhạt tựa như một mối tình đẹp ngây thơ, trong sáng, như 1 tình yêu đang chớm nở và hồn nhiên nhất. Màu sắc hoa nhẹ nhàng, mang lại cảm giác thoải mái, dễ chịu cho người nhìn. Bạn có thể dùng hoa tặng cho nửa kia trong những ngày hẹn hò.

hoa thuy tien 2
Thủy tiên hồng

5. Hoa thủy tiên xanh

Những bông hoa màu xanh dương luôn đem lại sự mới mẻ, lạ lẫm ngay từ ánh nhìn đầu tiên. Đây cũng là màu sắc thể hiện sự khát khao, đam mê, khát khao tuổi trẻ. Ngoài ra, thủy tiên xanh còn đem lại cho người nhận cảm giác yên bình, nhẹ nhõm. Từ đó bạn có thể tặng thủy tiên xanh cho những ai có tâm hồn nghệ sĩ, bay bổng, hoặc trang trí trong phòng làm việc để thư giãn sau những giờ làm việc mệt mỏi.

hoa thuy tien 13
Hoa thủy tiên màu xanh

Cách trồng cây hoa thủy tiên đơn giản nhất

Như đã đề cập, hoa sẽ nở vào mùa xuân nên thời điểm trồng hoa tốt nhất là vào mùa thu, tầm tháng 9 tháng 11 lúc thời tiết mát mẻ. Hoa thủy tiên là loại hoa khá dễ trồng, nhưng để hoa nở đẹp và sinh trưởng tốt nhất, bạn cần đảm bảo các yếu tố như sau:

  • Đất trồng: Phải là đất có độ tơi xốp, giàu mùn và có khả năng thoát nước tốt. Để gia tăng độ dinh dưỡng cho đất, bạn có thể trộn với đất thêm một ít phân hữu cơ để giúp hoa nở nhanh và đẹp. Độ pH lý tưởng để trồng cây là từ 5 đến 7,5.
  • Ánh sáng: Thủy tiên là loại hoa ưa mát mẻ nhưng cũng ưa thích ánh sáng. Vì vậy, hãy trồng cây ở những nơi có ánh sáng vừa đủ để hoa có thể nở hoa đẹp.
hoa thuy tien 19
Thủy tiên là loài cây ưa mát mẻ nhưng cũng thích nắng như nhiều loại hoa khác
  • Nhiệt độ: Cây hoa thủy tiên cực kỳ khá nhạy cảm với mức nhiệt xung quanh, vì vậy, nên để cây ở những nơi mát mẻ hoặc ấm áp. Thời tiết quá nóng hay quá lạnh có thể ảnh hưởng trực tiếp đến sự sinh trưởng của cây.
  • Độ ẩm: Cây thích mát nên nhớ duy trì độ ẩm cao cho cây hoa nhé.

Sau khi đảm bảo điều kiện trồng, chúng ta tiến hành trồng cây.

1. Chuẩn bị trồng cây

Có nhiều cách trồng hoa nhưng phổ biến nhất là trồng cây hoa bằng củ giống. Trước khi trồng hoa, bạn cần chuẩn bị củ hoa như sau:

  • Để hoa nở đẹp thì cần chọn những loại củ hoa to, chắc, vân dọc rộng, sáng màu, khỏe mạnh. Xung quanh càng nhiều củ phụ thì sẽ càng cho ra nhiều hoa.
  • Khi đã có củ, bạn cần lột bỏ lớp vỏ nâu bên ngoài sau đó đem củ đi rửa sạch, gọt bỏ phần rễ đen ở đế. Sau đó đem ngâm củ trong nước ít nhất 48 tiếng.
  • Tiếp theo bạn cần tách từng lớp vỏ, khía nhẹ khoảng 2/3 củ theo chiều dọc và khía nhẹ vòng quanh để tách các lớp vỏ. Nhớ chỉ nên rạch nhẹ để bóc vỏ, không rạch, khía quá sâu sẽ làm hư mầm hoa bên trong. Tạo hình củ rất quan trọng, bạn cần tỉa bớt lá để sau này lá không che mất hoa.
  • Sau đó ngâm củ này vào nước để làm sạch củ. Thay nước sau 8h và dùng bông để vệ sinh nhẹ nhàng. Nếu như thấy củ có dấu hiệu bị thối thì phải cắt bỏ rồi thêm ít muối vào trong nước.
  • Thay nước mỗi ngày một lần và cần đảm bảo lượng nước ngập ngang củ. Sau đó chờ đợi từ 3 đến 4 ngày thì phơi củ, nhưng nhớ không nên phơi củ trực tiếp dưới nắng gắt.
  • Khi thấy củ bắt đầu mọc rễ và mầm lá thì bạn cần phủ một lớp bông lên bề mặt. Lớp bông này sẽ có tác dụng che nắng, gió và giữ ẩm cho củ.
hoa thuy tien 14
Khi củ bắt đầu ra rễ và mầm cây thì lấy một lớp bông phủ lên củ hoa
  • Khi rễ phát triển được tầm 4cm đến 7cm thì chúng ta đã có thể dùng những củ này đem đi trồng để ra hoa.

Hiện nay, có 3 cách trồng cây thủy tiên phổ biến là trồng hoa trên đất, trên sỏi và trồng thủy sinh (có nghĩa là trồng bằng nước).

2. Cách trồng cây thủy tiên trên đất

Trước khi trồng cây ra vườn, bạn nên nuôi cây trong chậu trước để bảo vệ cây dễ hơn. Khi chọn chậu, bạn nhớ chọn loại có lỗ thoát nước để cây không bị úng nước. Sau đó bạn chỉ cần cho đất đã chuẩn bị đặt vào chậu và đặt củ hoa vào. Đợi khi cây lớn thì bạn có thể chuyển sang đất vườn để cây phát triển lớn hơn.

hoa thuy tien 18
Trồng thủy tiên trên đất

3. Cách trồng cây thủy tiên trong sỏi

Bỏ những viên sỏi vào chậu, bình hoa đã chuẩn bị. Chúng ta chỉ bỏ sỏi đầy khoảng 2/3 chậu và chọn những viên sỏi có kích thước vừa phải, không quá nhỏ. Sau đỏ đặt củ hoa đã chuẩn bị vào sao cho rễ cây hướng xuống dưới.

hoa thuy tien 15
Trồng thủy tiên bằng sỏi và nước

Sau đó đổ nước vào chậu sao cho nước ngập hết phần gốc rễ. Bạn nên nhớ không được đổ nước ngập củ và cần thay nước thường xuyên để củ hoa không bị úng, thối. Sau đó, bạn chỉ cần để chậu hoa trong phòng, nơi có nhiệt độ ấm áp thì chỉ sau 20 đến 30 ngày hoa sẽ bắt đầu cho ra hoa.

4. Cách trồng thủy sinh

Cách trồng này khá tương tự với cách trồng sỏi trên. Chúng ta cần đổ nước vào chậu và bỏ củ hoa vào. Không để nước ngập củ hoa là được. Củ thủy tiên mới ngâm sẽ có nhiều nhớt, nên bạn cần thay và vệ sinh chậu thường xuyên. Nếu muốn chuyển sang chậu mới to hơn thì nên chú ý thay nước.

hoa thuy tien 16
Trồng cây hoa thủy tiên bằng phương pháp thủy sinh

Với cách trồng này thì hoa sẽ mọc sau khoảng 40 ngày. Và nên lưu ý dùng nước sạch, không tạp chất để củ hoa không bị thối.

Một số lưu ý để chăm sóc hoa nở đẹp

Để hoa có thể nở đẹp và phát triển tốt, chúng ta cần lưu ý chăm sóc hoa theo cách sau:

  • Để hoa tiếp xúc với ánh sáng ít nhất 6 tiếng mỗi ngày, nhưng vào những ngày nắng gắt thì nên chuyển cây vào mát, nhiệt độ quá lớn có thể ảnh hưởng đến sự sinh trưởng của cây thủy tiên.
  • Nhớ tưới nước thường xuyên, vừa đủ. Nếu trồng thủy canh thì cần thường xuyên thay nước.
  • Nếu trồng trên đất thì sau một 1 thời gian cần trộn thêm vỏ trấu và bón phân để tăng dinh dưỡng cho đất.
hoa thuy tien 17
Để cây phát triển tốt nhất cần đảm bảo đủ các yếu tố là nước, ánh sáng, phân bón và trừ sâu bệnh

Ngoài ra, bạn cũng cần lưu ý một số tình trạng bệnh ở hoa để có cách xử lý và khắc phục kịp thời như:

  • Bệnh khô lá: Dấu hiệu của bệnh trên cây thủy tiên là ngọn lá có các đốm vàng rồi lan rộng, trên đốm có bột đen. Cách xử lý để cứu cây lúc này là bỏ bẹ khô và dùng thuốc tím 1% rửa lá 2 đến 3 lần. Chú ý thoáng gió tại khu vực trồng cây. Hoặc bạn có thể dùng Zineb 0,1% để phun lên cây.
  • Bệnh đốm nâu: Bệnh này cũng có dấu hiệu là các đốm vàng, nâu trên lá, bệnh này sẽ làm cho lá xoăn và chết khô. Cách xử lý là phun 3 đến 4 lần thuốc Daconil 0,2%, mỗi lần phun cách từ 5 đến 7 ngày.
  • Bệnh tuyến trùng: Bệnh này sẽ tấn công và có dấu hiệu ở củ hoa. Củ sẽ xuất hiện những đốm nâu vàng khiến củ hoa bị hư hỏng, dẫn đến chết cây. Cách xử lý là bón Furadan cho cây. Hoặc dùng nước ấm 40 đến 45 độ cùng 0,5% Formalin để ngâm củ trong 3 đến 4 giờ.

Trên đây là những thông tin tổng hợp về loại cây hoa thủy tiên như đặc điểm, phân loại, ý nghĩa cũng như là cách trồng, cách chăm sóc hoa đúng chuẩn. Hy vọng những thông tin trên đây sẽ hữu ích với bạn.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Messenger
Zalo
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây