Ý nghĩa của Hoa Dâm Bụt theo màu sắc và văn hóa các nước
Hoa dâm bụt là loài hoa khá phổ biến ở nước ta và các nước trên thế giới. Hoa mang vẻ đẹp giản dị nhưng vô cùng đặc biệt, ấn tượng. Đây là loài hoa của tuổi thơ, loài hoa của biết bao thế hệ gắn với những kỷ niệm khó phai. Hoa thường được trồng ở khắp mọi nơi như trên đường, hàng rào,… Bạn đã biết gì về loại hoa này? Cùng chúng tôi tìm hiểu đặc điểm của hoa cùng ý nghĩa của chúng thông qua bài viết dưới đây.
Nguồn gốc của hoa dâm bụt
Hoa dâm bụt hay còn gọi một cái tên thân thương là hoa râm bụt hay bông bụp, hoa lồng đèn. Đây là loài hoa vô cùng gần gũi và thân thuộc với mỗi chúng ta. Loài hoa này có tên khoa học tiếng anh là Hibiscus syriacus, thuộc họ Cẩm quỳ và có nguồn gốc từ Đông Nam Á. Hoa khá dễ trồng và sinh sống, thường được trồng không chỉ ở Việt Nam mà còn nhiều nước trên thế giới.
Hoa râm bụt thường xuất hiện trên đường, được trồng trong nhà, cổng nhà hay các khu vườn ở nhiều vùng khí hậu nhiệt đới, cận nhiệt đới và Địa Trung Hải. Đây là loài hoa được trồng khá phổ biến, vốn là loại cây ưa nóng và thích nghi tốt với điều kiện khí hậu nóng ẩm nên khi ở những khu vực có khí hậu này chúng phát triển rất tốt. Hoa dâm bụt có rất nhiều màu sắc và chủng loại khác nhau. Hiện nay, bằng việc vận dụng các phương pháp chiết cành mà hoa dâm bụt được lai thành nhiều giống với nhiều đặc điểm hình dáng, màu sắc khác nhau vô cùng bắt mắt.
Đặc điểm của hoa râm bụt
Hoa dâm bụt có dạng cây thân gỗ được phân thành nhiều nhánh nhỏ với chiều cao thân trung bình từ 80 đến 100cm và ở một số nước khác, do điều kiện khí hậu và đất tốt, cây có thể cao từ 2 lên đến 4m. Cây mọc thành bụi rậm rạp với nhiều nhánh nhỏ xung quanh chính vì thế, chúng được thấy ở dọc các đường đi hoặc xung quanh hàng rào của nhà ở,… chúng tạo thành một bức tường vô cùng đẹp và rực rỡ.
Lá cây có màu xanh lục với các gai xung quanh hình răng cưa và gân nổi xuất hiện ở mặt lá. Lá có hình bầu dục và thường mọc ở xung quanh cành tạo nên bụi cây um tùm đầy lá. Các lá có độ bóng vừa phải, hơi cong hoặc thẳng. Hoa chúng rất đẹp, thường to và có nhiều màu tuy nhiên màu đỏ là chủ yếu. Hoa thường mọc riêng lẻ ở từng nách lá, cánh hoa mảnh mai đôi khi có lông mịn trên mặt cánh mềm mại như nhung. Hoa nở rực rỡ với phần nhụy đưa ra ngoài. Chính đặc điểm này làm cho hoa râm bụt có thêm cái tên là hoa lồng đèn.
Hoa thường nở từ vào mùa hè từ tháng 5 đến tháng 7 hàng năm. Vào khoảng thời gian này hoa nở rực rỡ nhất, với cánh hoa xòe rộng, đan xen lẫn nhau cùng với phần đài nhụy vươn ra trước nắng. Hoa thường có 6 đến 7 đài hoa sợi mảnh, nhọn cùng với quả của hoa dâm bụt có dáng quả trứng với 5 thuỳ khô và có hạt bên trong.
Các loại hoa râm bụt thường gặp hiện nay
Hoa dâm bụt thường thấy nhiều nhất là loại hoa dâm bụt đơn, tuy nhiên, hiện nay nhờ quá trình lai giống, người ta đã lai tạo được nhiều loại hoa dâm bụt với nhiều kiểu dáng và màu sắc khác nhau. Sau đây là một số loại hoa dâm bụt phổ biến:
- Hoa dâm bụt đơn màu đỏ: Đây là loại hoa râm bụt thường thấy ở nước ta. Loài hoa này rất thích hợp với khí hậu khắc nghiệt ở Việt nam chính vì thế chúng được trồng từ rất lâu mãi đến tận bây giờ. Hoa thường được trồng thành hàng như hàng rào và trồng tại những khu vực bên lề đường làm cây cảnh trông rất bắt mắt. Hoa màu đỏ rực, với các cánh tách rời, nở rộ không cần phải chăm sóc cầu kỳ.
- Hoa dâm bụt lùn: Loài hoa này có thân cây nhỏ, ngắn thường được trồng trong chậu làm cây cảnh trưng bày trong nhà. Cây chỉ có chiều cao từ 30 – 40cm nhưng ra hoa nhiều, sai hoa. Các lá um tùm xung quanh có màu xanh đậm, to bản và cứng. Các hoa có các màu hồng, cam, vàng, trắng với cánh mỏng, xếp chồng lên nhau với nhụy hoa vươn ra ngoài bắt mắt. Cây rất dễ chăm sóc và siêng ra hoa chính vì thế là loài hoa rất được ưa chuộng trồng làm cây cảnh trong nhà.
- Hoa dâm bụt Nhật Bản: Hoa dâm bụt Nhật Bản có hình dáng rất đặc biệt với các hoa nở to hơn 10cm. Đây là loài hoa được trồng nhiều ở Nhật Bản, thích hợp với thời tiết, khí hậu nơi đây. Cây có chiều cao từ 30-70 cm với các lá xum xuê hình trái tim màu xanh đậm. Hoa có đa dạng màu từ các màu như đỏ, màu hồng, tím và trắng thích hợp trưng ở nhiều khu vực khác nhau.
- Hoa râm bụt thái: Có hình dáng tương tự như hoa râm bụt đơn màu đỏ tuy nhiên các cánh hoa nở xòe xếp chồng lên nhau, không có hình răng cưa trên cánh hoa. Hoa có nhiều màu, bên cạnh tác dụng làm cây cảnh trong nhà, loài hoa này còn có công dụng thanh lọc bầu không khí trong lành, hấp thụ khí độc hại nên thường được lựa chọn trồng nhiều ở sân vườn, công viên, nhà hàng, khách sạn,…
- Hoa râm bụt lồng đèn: Đây là loài hoa có vẻ đẹp mê hoặc, các cánh hoa rũ xuống màu đỏ rực rỡ cùng các nhụy kéo dài rũ rượi như những chiếc đèn lồng. Cây có hoa khá to, từng cánh hoa xẻ uốn mềm mại cong cong rất đặc biệt và vô cùng bắt mắt.
Ý nghĩa của hoa dâm bụt
Hoa dâm bụt không chỉ đẹp mà nó còn mang nhiều ý nghĩa đặc biệt. Cùng chúng tôi tham khảo ý nghĩa của loài hoa này theo văn hóa và theo màu sắc thế nào nhé.
1. Ý nghĩa của hoa râm bụt trong các nền văn hóa các nước
Hoa dâm bụt là loại hoa không những có vẻ đẹp đơn giản, giản dị, tự nhiên mà nó còn ẩn chứa nhiều ý nghĩa sâu sắc. Không chỉ ở Việt Nam mà đối với các nước khác hoa râm bụt đều mang một ý nghĩa vô cùng đặc biệt.
- Ở Malaysia: Hoa râm bụt được xem là quốc hoa của Malaysia. Người Malaysia lấy biểu tượng hoa dâm bụt để thể hiện sức sống. Cây râm bụt có sức sống mãnh liệt, chỉ cần có cách chăm sóc, vun trồng từ một cành cây nó có thể phát triển thành một cây mới với sức sống mãnh liệt hơn, đẹp hơn. Ở đây, họ gọi loài hoa này là Bunga raya, biểu tượng hoa màu đỏ tượng trưng cho sự may mắn, sung túc, đồng thời nó còn là tình yêu nồng cháy, lòng dũng cảm và sự tin cậy.
- Đối với người Victoria cổ đại: Hoa râm bụt là biểu trưng cho sự vinh quang. Loài hoa này dùng để tôn vinh một ai đó với thành tích nào đó, nó chỉ có thể được trao cho những người xứng đáng với vẻ đẹp của nó. Ngoài ra, trong tình yêu, loài hoa dâm bụt này còn là biểu tượng cho một người vợ hoàn hảo hoặc một người bạn tình lãng mạn.
- Tại Hawaii: Loài hoa râm bụt màu vàng được chọn làm đại diện cho tiểu bang Hawaii. Hoa dâm bụt thường dùng làm quà tặng cho các quan chức nhà nước và khách du lịch giống như một chiếc vòng cổ hoặc một vòng hoa để thể hiện sự vui mừng, như một dấu hiệu chào đón. Hoa râm bụt mỏng manh còn mang ý nghĩa thể hiện tình trạng hôn nhân của các cô gái. Các cô gái sẽ chọn hoa râm bụt đỏ để đeo vào sau tai, nếu là tai phải tức là cô gái đó đã có chủ. Còn nếu là tai trái tức là một dấu hiệu thể hiện sự độc thân và các chàng trai có thể tán tỉnh cô ta.
- Tại Nhật Bản: Hoa râm bụt thể hiện một phong tục xã hội, người ta thường dùng hoa râm bụt làm quà tặng như thể hiện một sự hiếu khách, sự chào đón. Trong tiếng Nhật thì hoa râm bụt có nghĩa là sự dịu dàng.
- Ở Trung Quốc: Tương tự người Victoria cổ đại, người Trung Quốc cũng liên tưởng hoa râm bụt với danh tiếng, vinh quang. Bên cạnh đó, loài hoa này sang trọng còn thể hiện một sự giàu có. Tại đây, hoa râm bụt còn thể hiện một ý nghĩa như một lời chúc, cầu mong vinh quang, thành công cho người nhận.
- Tại Hàn Quốc: Người Hàn Quốc lại coi loài hoa này như biểu tượng của sự tử vong.
- Ở Bắc Mỹ: Loài hoa này tượng trưng cho vẻ đẹp của người phụ nữ. Họ tôn vinh nét đẹp của người phụ nữ với ý nghĩa thể hiện cho vẻ đẹp sang trọng, quý phái. Người Bắc Mỹ thường liên tưởng loài hoa này với một người vợ hoàn hảo đáng mơ ước. Họ thường tặng hoa cho vợ với mong muốn thể hiện tình yêu, sự ngưỡng mộ của mình dành cho vợ.
- Tại Singapore: Hoa râm bụt ở nước này được gọi là Bunga Raya, nó có nghĩa là bông hoa của lễ kỷ niệm.
- Tại Việt Nam: Hoa râm bụt tại Việt Nam khá quen thuộc, gần gũi. Tuy nhiên, hoa râm bụt tại Việt Nam mang ý nghĩa không mấy đẹp đẽ. Nó mang ý nghĩa ám chỉ những người phụ nữ lẳng lơ, không đàng hoàng chính vì thế loài hoa này chỉ dùng để trang trí làm cảnh trong nhà hoặc làm hàng rào chứ không dùng làm quà tặng cho ai nhất là với phụ nữ.
Ở mỗi quốc gia khác nhau loài hoa râm bụt đều thể hiện một ý nghĩa khác biệt có thể tích cực cũng có thể mang ý nghĩa xấu, tiêu cực chính vì thế hãy tìm hiểu thật kỹ văn hóa các nước trước khi quyết định tặng ai đó.
2. Ý nghĩa của hoa râm bụt theo màu sắc hoa
Hoa râm bụt là loài hoa có nhiều màu sắc và kiểu dáng khác nhau. Mỗi màu sắc hoa thể hiện một ý nghĩa đặc biệt:
- Hoa râm bụt màu trắng: Màu trắng là màu của sự tinh khôi, trong trắng là biểu thị cho một sự khởi đầu mới bởi mọi thứ đều bắt nguồn từ màu trắng. Hoa dâm bụt màu trắng biểu thị cho người con gái mới lớn với tâm hồn thơ ngây, trong trắng và tinh khiết. Bạn có thể tặng một cây hoa dâm bụt trắng với ý nghĩa mong mọi điều suôn sẻ, tốt đẹp, mong muốn một khởi đầu mới tốt hơn.
- Hoa dâm bụt đỏ: Hoa đỏ tượng trưng cho tình yêu, sự gắn kết lâu dài đồng thời nó tượng trưng cho đam mê và sự lãng mạn. Sắc hoa đỏ rực vô cùng quyến rũ, mãnh liệt thể hiện tình yêu bền lâu với mong muốn gắn kết. Đây thể hiện tấm lòng chân thành của người con trai với bạn đời của mình. Ngoài ra, hoa dâm bụt đỏ còn thể hiện một sự may mắn, tốt lành nếu dành tặng trong ngày khai trương, tân gia có thể cầu mong may mắn, tốt đẹp đến với người nhận.
- Hoa dâm bụt màu vàng: Hoa bụt màu vàng khá phổ biến, đây là biểu tượng của hạnh phúc, niềm vui và tràn ngập sự lạc quan. Hoa dâm bụt vàng làm quà tặng với mong muốn cầu may mắn, sự tích cực tới người nhận.
- Hoa râm bụt hồng: Đây là một biểu tượng cho tình bạn và tình yêu đôi lứa. Đối với tình bạn, màu hồng thể hiện một tình bạn tốt đẹp, nhẹ nhàng. Với tình yêu đó là một tình yêu thơ ngây, một tình yêu trong giai đoạn đẹp nhất của lứa đôi. Bên cạnh đó nó còn là loài hoa biểu thị cho gia đình, tình đồng nghiệp,…
- Hoa râm bụt tím: Màu tím mộng mơ nhưng vẫn ẩn chứa một điều gì đó huyền bí, bí ẩn. Hoa bụt tím sang trọng, đẳng cấp với sắc thái đặc biệt, thể hiện một ý nghĩa đặc biệt. Nếu dùng hoa này để diễn tả một ai đó thì hoa dâm bụt tím thể hiện họ là người có tri thức, đẳng cấp và có nét tỏa sáng riêng biệt trông rất có sức hút. Đây như thể hiện một lời khen ngợi đối phương vô cùng tinh tế, lịch sự.
Công dụng của hoa dâm bụt
Hoa râm bụt được biết đến với nhiều công dụng tuyệt vời. Đây là loài hoa khá thân thuộc với mỗi chúng ta tuy nhiên ít ai biết đến những công dụng tuyệt vời của nó. Sau đây Floli sẽ giúp bạn tìm hiểu về công dụng của loài hoa này:
1. Hoa dâm bụt là thuốc chữa nhiều căn bệnh phổ biến
Hoa dâm bụt được biết đến nhiều là loại thuốc cực kỳ tốt trong Đông Y với khả năng chữa được các bệnh:
- Thuốc trị bệnh sỏi thận: Theo nghiên cứu Đông Y, hoa dâm bụt khi điều chế làm thuốc trị sỏi thận sẽ có tác dụng làm viên sỏi trong cơ thể chúng ta tan ra và bài tiết qua đường nước tiểu.
- Ngăn ngừa bệnh tim: Hoa dâm bụt chứa chất hóa học có thể kiểm soát được lượng cholesterol trong máu giúp ngăn ngừa bệnh tim hiệu quả.
- Trị đau nhức, mệt mỏi: Lá dâm bụt kết hợp với các loại lá như lá si, lá mận, lá đào và lá thài lài tía thái nhỏ sau đó đem ra phơi khô cùng với sao vàng hạ thổ, ngâm với rượu có thể làm thành thuốc trị đau nhức hiệu quả. Dùng loại thuốc ngâm này xoa bóp, massage mỗi ngày bạn sẽ cảm thấy dễ chịu hơn, quên đi cơn đau nhức, mệt mỏi.
- Ổn định huyết áp: Với cách thức phơi ra tạo thành trà pha uống, loại trà này sẽ có tác dụng ổn định huyết áp, cholesterol đồng thời, chúng còn có tác dụng ngăn ngừa được tình trạng nhiễm trùng bàng quang và táo bón.
- Tăng cường miễn dịch: Hoa râm bụt có nhiều vitamin C và các chất chống oxy hóa chính vì thế có tác dụng tăng cường sức đề kháng.
- Chữa mụn nhọt: Hoa dâm bụt kết hợp với lá thồm lồm, lá trầu giã nát để đắp lên mụn nhọt mỗi ngày/1 lần mụn nhọt tiêu biến và mủ của mụn nhanh chóng được vỡ ra, làm lành vết thương hiệu quả.
Bên cạnh đó, đây còn là thuốc chữa trị các chứng như khó ngủ, quai bị, đau mắt, viêm tuyến mang tai, viêm kết mạc cấp,… và đặc biệt vô cùng tốt cho nữ giới trong việc điều trị kinh nguyệt không đều hiệu quả.
2. Công dụng hoa râm bụt trong trang trí nhà cửa
Hoa râm bụt với đặc điểm hoa rực rỡ, đầy sức sống chính là lựa chọn tuyệt vời trong trang trí nhà cửa. Hoa mọc thành bụi có thể trồng thành hàng tạo thành một hàng rào chắn vững trãi. Các hoa đua sắc sẽ không ngừng tăng lên vẻ đẹp cho ngôi nhà. Với những hoa thân gỗ, bụi lớn có thể trồng để trang trí sân vườn, ban công, hàng rào,… Còn những loại cây nhỏ hơn, được trồng trong chậu với nhiều kích thước khác nhau là lựa chọn lý tưởng trong trang trí ở khu vực bàn làm việc, kệ bếp, phòng khách,…
Vẻ đẹp của chúng luôn nổi bật dù bạn trang trí ở bất kỳ nơi đâu. Bên cạnh những không gian sống, hoa còn được trồng khá phổ biến trong khuôn viên nhà hàng, khách sạn, công viên. Không chỉ tôn lên vẻ đẹp ngôi nhà, sự sang trọng của nhà hàng, khách sạn, nó còn giúp cho bầu không khí nơi này luôn trong lành hơn, dễ chịu hơn. Với công dụng hút khí độc ở ngoài môi trường đây chắc chắn là loài hoa bạn có thể tham khảo khi muốn làm sạch không khí xung quanh.
Hướng dẫn cách trồng và chăm sóc hoa dâm bụt nở đẹp nhất
Hoa dâm bụt rất dễ trồng và chăm sóc tuy nhiên, để cây phát triển tốt, ra hoa đẹp phải cần có những kỹ thuật trồng và chăm sóc cây đặc biệt. Bạn có thể trồng loại hoa này bằng hai phương pháp là trồng bằng hạt hoặc giâm cành (cành già hoặc non). Dù phương pháp nào đi chăng nữa cũng đều rất phổ biến khi trồng loại cây này. Tuy nhiên, với loại hoa dâm bụt lùn bạn chỉ có thể trồng bằng hạt.
1. Chuẩn bị
Bạn nên chuẩn bị sẵn đất, chậu hoặc làm sạch khu vực trồng trước khi tiến hành. Nên chọn đất có độ dinh dưỡng cao, màu mỡ và có khả năng thoát nước tốt. Đất trồng tốt nhất nên có nhiều mùn, là đất thịt với độ pH từ 5 đến 6 hơi chua một chút như thế sẽ kích thích sự phát triển của cây và giúp hoa nở nhiều hơn. Bởi đặc tính của nó nên loại cây này không thích hợp trồng trên những nơi đất cát, đất khô hoặc khả năng thoát nước kém. Nếu đất bạn là loại đất này hãy bổ sung thêm một ít phân hữu cơ trước khi trồng.
2. Trồng cây
Như đã trình bày ở trên, loài cây này được trồng bằng hai phương pháp:
- Phương pháp gieo hạt:
Khi gieo bằng hạt hãy đem hạt ngâm với nước trước từ 4 đến 6 tiếng sau đó đem đi ủ trong cát ẩm và để qua đêm với nhiệt độ trong khoảng từ 20 đến 25 độ. Đến sáng hôm sau, hạt đã hơi tách vỏ bạn có thể đem ra gieo được. Chỉ cần có cách chăm sóc đúng cách, tưới nước điều độ cây đã có thể phát triển và ra hoa. Phương pháp này thường áp dụng cho những câu râm bụt lùn.
Hoặc bạn cũng có thể trồng trực tiếp dưới đất hoặc trong chậu ngay. Trước khi gieo vào chậu hãy bón phân trộn với đất để cung cấp dinh dưỡng giúp cây mau phát triển sau đó gieo hạt và xịt ẩm cho đất. Nhiệt độ lý tưởng để cây nảy mầm từ 20 đến 25 độ. Với cách này, chỉ trong vòng 2 đến 3 tháng cây đã có thể phát triển khỏe mạnh và ro hoa.
- Phương pháp giâm cành:
Đầu tiên cần phải chuẩn bị cành giâm bụt khỏe mạnh từ cây mẹ với kích thước từ 20 đến 30 cm. Cành này phải được chọn lựa kỹ càng, cây khỏe mạnh, không sâu bệnh, để lại phần lá trên ngọn, còn phần lá bên dưới thì tuốt bỏ đi. Chọn đất giàu dinh dưỡng, có thể bón phân trước vào đất sau đó cắm cành xuống.
Tưới nước cho cây thường xuyên, giữ nhiệt độ trong khoảng 18 đến 20 độ, không khí mát mẻ, có đủ độ ẩm để cây không bị khô. Với cách này, chỉ trong vòng 1 tháng cây đã có thể ra lá, ra rễ và phát triển khỏe mạnh. Bạn cũng có thể sử dụng nước kích mọc rễ ngâm trước 6 đến 8 tiếng trước khi giâm cành để cây phát triển nhanh hơn.
Bên cạnh đó, bạn cũng có thể thực hiện phương pháp ghép cây râm bụt. Bạn cũng thực hiện kỹ thuật ghép tương tự những loại cây khác với các vật dụng như dao ghép, băng keo, nilon; chuẩn bị gốc ghép và giống ghép đạt tiêu chuẩn.
- Chọn những giống cây râm bụt khác loại muốn ghép với nhau.
- Dùng dao ghép thực hiện rạch 2 đường song song với chiều dài của gốc ghép khoảng chừng 1cm và cách nhau từ 6 – 7mm.
- Rạch tiếp một đường ngang ở phía dưới 2 đường vừa rạch để tạo thành hình chữ U. T
- Tiếp theo, lấy dao, cắt mắt mầm muốn ghép trên cành ghép sao cho vừa với đường cắt ở gốc ghép (cửa sổ).
- Cho mầm vào cửa sổ này và áp sát chúng vào nhau bằng cách dùng nilon và băng keo quấn với độ chặt vừa phải.
- Sau khoảng thời gian từ 2 – 3 tuần bạn hãy cắt bỏ phần ngọn của gốc ghép đi. Như vậy, chỉ sau khoảng vài tháng sau mắt ghép nảy mầm tạo ra được một giống cây râm bụt mới như mong muốn.
3. Kỹ thuật chăm sóc
Đây là loại cây dễ trồng và chăm sóc, bạn chỉ cần chú ý đến các vấn đề sau:
- Tưới nước vừa đủ cho cây, tốt nhất nên tưới 1 lần/ngày, không tưới quá nhiều làm cây dễ bị úng nước.
- Trồng hoa dưới ánh nắng mặt trời sẽ giúp cây phát triển tốt hơn.
- Trong quá trình trồng và ra hoa hãy thường xuyên cắt tỉa cho cây để trông cây gọn gàng hơn, đẹp hơn và khả năng ra hoa và phát triển tốt hơn.
- Sau khi cây ra hoa đợt 1 hãy cắt các cành già và chỉ để lại những cành đang lớn.
- Cây dễ phát triển chính vì thế không cần bổ sung dinh dưỡng quá nhiều, chỉ nên bổ sung thêm khi đất trồng quá khô, nghèo dinh dưỡng.
- Tiến hành cắt tỉa và loại bỏ hoa già sau đó bón một ít phân bón cho cây để cây phát triển và ra hoa ở mùa sau đẹp hơn.
- Thời điểm tốt nhất, thích hợp nhất để trồng cây là vào mùa xuân hoặc đầu mùa hè.
- Kiểm tra cây thường xuyên để tránh sâu bệnh hại.
Kết luận: Trên đây là tất cả những thông tin về hoa râm bụt từ nguồn gốc, ý nghĩa đến cách trồng, chăm sóc cây. Nếu bạn đang muốn tìm hiểu về loài hoa này cũng như muốn biết cách trồng chúng ra sao tôi tin rằng những thông tin cung cấp trên đều rất bổ ích cho bạn.
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn