Ý nghĩa của Hoa Sứ | Biểu tượng cho sự sung túc dài lâu

Ý nghĩa của Hoa Sứ | Biểu tượng cho sự sung túc dài lâu

  • Thứ ba - 14/11/2023 01:36
  • Tiện ích: 
  •  
  •  
  •  

Hoa sứ là loài hoa được trồng rất phổ biến, thường gặp ở trên đường đi, chùa chiềng, ban công,… chúng mang nhiều ý nghĩa đặc biệt được rất nhiều người ưa chuộng. Tuy là loài hoa được thấy rất nhiều nhưng chắc hẳn bạn vẫn chưa biết được nguồn gốc, đặc điểm và công dụng của hoa. Cùng chúng tôi tham khảo bài viết sau để biết thêm nhiều thông tin hơn nữa về loài hoa này cũng như có cách chăm sóc hiệu quả. 

Tìm hiểu về nguồn gốc của hoa sứ

Hoa sứ hay bông sứ là loại hoa có tên khoa học là Adenium thuộc họ Apocynaceae (họ trúc đào), ở Việt Nam chúng có cái tên khá thân thuộc đó là hoa Đại. Đây là loại cây được trồng khá phổ biến không chỉ ở Việt Nam mà còn các nước khác. Vốn có nguồn gốc từ các nước Trung Mỹ và Mỹ Latinh như Mexico, Venezuela, Peru,…  nên hoa sứ không ưa môi trường lạnh khô.

Hoa su 1
Hoa sứ trồng phổ biến ở các nước trên thế giới

Bông sứ thích hợp trồng những khu vực nhiệt đới và cận nhiệt chính vì thế Việt Nam cũng là nơi thích hợp để trồng loại hoa này. Tuy nhiên, ở Việt Nam bạn sẽ thấy hoa sứ có mặt ở miền Nam nhiều hơn Miền Bắc do đặc tính không ưa lạnh khô của nó. Không biết du nhập vào Việt Nam từ khi nào tuy nhiên, chúng khi xuất hiện ở Việt Nam đã được nhân giống, lai giống thành nhiều loại khác nhau nhằm thích nghi với đặc điểm khí hậu của Việt Nam.

Hoa su 2
Loài cây ưa sáng và ánh nắng mặt trời

Thời gian gần đây, các loại sứ được lai giống tạo ra các giống sứ cánh kép, các giống này có xuất xứ từ Thái Lan, Indonesia, Đài Loan. Chính sự lai tạo này tạo ra nhiều loại sứ với nhiều cái tên vô cùng đặc sắc như Bướm Tiên, Bạch Thiên Hoa, Cát Tường, Gia Bảo, Đại Mỹ Nhân, Hoàng Lộc, Quý Ngọc, Hoàng Thị, Thiên Phúc, Hồng Thiên Nga, Huyết Long, Huyết Vân, Hồng Hạc, Ngọc Ẩn, Nhất Điểm Hồng, Hổ Phách, Nhật Nguyệt, Nữ Hoàng, Quý Ngọc, Thần Tài, Tiên Nữ,…

Đặc điểm của hoa sứ

Hoa sứ có rất nhiều loại khác nhau tuy nhiên chúng đều mang các đặc điểm chung đó là thuộc cây bụi với thân cây mập mạp và mọng nước. Thân cây màu xanh vô cùng khỏe khoắn có gốc và bộ rễ lớn, phình to trông đầy sức sống và được uốn lượn thành nhiều kiểu dáng khác nhau. Khả năng bẻ cong và tạo hình của loại cây này cực tốt thường được uốn lượng làm cây cảnh trang trí rất đẹp và sang trọng.

Hoa su 3 1
Cây sứ khỏe khoắn, phát triển với chiều cao lên đến 3 hoặc 4m tùy loại

Lá cây xanh ngát với hai gam màu là xanh lá và xanh xám. Độ lớn lá vừa phải hơi dài tuy nhiên phần đầu lá hơi tròn và mép xung quanh nhẵn. Các lá này thường tập trung chủ yếu ở đầu cành và rụng sớm vào mùa lạnh giai đoạn giao thoa giữa mùa đông và mùa xuân để chuẩn bị cho mùa hoa mới nở. Khi lá đã rụng gần hết, hoa sức sẽ nở rộ và nở trong khoảng thời gian từ mùa xuân đến mùa hè. Đây là thời điểm hoa nở đẹp nhất.

cay hoa su
Lá thường tập trung ở đầu cành

Hoa sứ có nhiều loại khác nhau, mỗi loại đều mang những vẻ đẹp riêng điểm lên những màu sắc nổi bật, rực rỡ với các gam màu cơ bản như trắng, hồng, đỏ. Hoa sứ gốc ban đầu sẽ có hình dáng dạng phễu với năm cánh mỏng tỏa ra. Ngày nay, nhờ quá trình nhân giống, lai giống hiện đại, hoa sứ đã có diện mạo khác hơn, đặc biệt hơn với cánh kép và màu sắc cũng đa dạng, sặc sỡ hơn.

cay hoa su 1
Hoa sứ được lai tạo nhiều giống khác nhau

Các hoa thường đậu thành từng chụm ngay trên cuống hoa tạo nên những chùm hoa to, rực rỡ. Về mùi hương có thể thấy hoa sứ có mùi hương nhẹ nhàng, dịu nhẹ và rất sâu lắng. Loài hoa này về ban đêm hoa thường tỏa ra mùi hương thơm ngát lay động lòng người.

Cây hoa sứ cực kỳ yêu thích thời tiết nắng nóng và hanh hao khô, không ưa lạnh khô chính vì thế chọn thời tiết phù hợp cũng giúp cây sinh sôi, phát triển tốt hơn. Đây được xem là loài hoa kiểng vô cùng quý, là cây bonsai, tiểu cảnh độc đáo và có giá trị cao mang nhiều đặc điểm, ý nghĩa đặc biệt.

Các loại hoa sứ cơ bản hiện nay

Hoa sứ về cơ bản, người ta thường chia các loại hoa này theo màu sắc gồm hoa sứ trắng và hoa sứ đỏ.

  • Hoa sứ trắng hay hoa Đại trắng: Đây là loại hoa thường thấy phổ biến nhất. Cây có thân gỗ khá to, lá màu xanh đậm và nhẵn, thường có độ cao từ 2 đến 3m. Hoa nở ra thì có màu trắng tinh khôi có điểm thêm một chút vàng ở gần nhụy trông rất nổi bật.
Hoa su 4
Hoa đại trắng tinh khôi
  • Hoa sứ đỏ (cây sứ Thái Lan đỏ hay sứ sa mạc): đây là loại cây có thân tương tự các cây còn lại, tuy nhiên tán lá hẹp hơn, chiều cao trung bình chỉ từ 1 – 1,3m. Hoa nở có màu đỏ rực rỡ.
Hoa su 5
Sử đỏ rực đẹp mắt

Cụ thể hơn, bạn có thể tham khảo thêm các loại hoa sứ dưới đây. Những loài hoa sứ này sẽ có những đặc tính khác nhau về cả đặc điểm cánh hoa, màu sắc, khả năng sinh trưởng và loại khí hậu có thể thích nghi.

  • Hoa sứ Adenium Obesum: Đây là loài hoa sứ thường thấy nhiều nhất, với các đặc điểm:
    • Nguồn gốc: Khắp khu vực châu Phi cận sa mạc Sahara, trải dài từ Senegal đến Sudan và Kenya. Loài hoa này nếu trồng ở những nơi có điều kiện thời tiết ấm áp và nhiều nắng hoa sẽ nở bung rất đẹp và thường đẹp nhất từ mùa hè và có thể kéo dài đến tận mùa đông.
Hoa su Adenium Obesum
Hoa Sứ Adenium Obesum
    • Đặc điểm thân: Cây mọc thẳng với chiều cao chỉ từ 1 đến 4m, thân nhỏ màu xanh xám, mập ở gốc và thon dầu ở đầu ngọn, gồm nhiều nhánh ngắn.
    • Lá: Lá thường sắp xếp theo hình xoắn ốc, tập trung ở chóp cành với dáng hơi dài, hơi thuôn tròn ở ngọn, cuống lá ngắn, bản lá rộng, bề mặt bóng láng.
    • Hoa: Hoa hình tựa như phễu có màu trắng lan sang hồng hoặc đỏ thẫm ở phần cánh, ống hoa bên trong tô điểm màu vàng nhẹ. Hoa có lông mịn, nở bung năm cánh mỏng.
  • Hoa sứ Adenium Multiflorum: 
    • Nguồn gốc: Ở Nam Phi, Đông Swaziland, Mozambique và Zimbabwe, kéo dài vào phía Đông và Tây châu Phi và Zambia.
    • Thân: Thân cây có màu xám sáng bóng đến nâu, thân mỏng hơn Obesum và có mủ độc hại. Chiều cao cửa loại hoa này có thể đến 3m tuy nhiên phát triển chậm hơn so với giống Obesum.
Hoa su Adenium Multiflorum
Hoa sứ Adenium Multiflorum
    • Lá: Lá cây có hình bầu dục hơi rộng và có màu xanh bóng ở phần trên, màu nhạt hơn ở bề mặt dưới lá. Các lá mọc chen chúc ở đầu cành và có kích thước khoảng 10cm. Đặc biệt, loại sứ này thường hay rụng trong thời gian ra hoa.
    • Hoa: Hoa có hình dạng không khác Obesum là mấy, thường nở vào mùa đông, ra hoa từ tháng 5 đến tháng 9. Hoa có hình phễu, có lông và có đường kính 5 – 7cm khi đo cả cánh hoa. Cánh hoa thường có thùy trắng, sọc đỏ kèm lông mịn ở đầu phễu, rìa đỏ nhăn nheo. Phần nhụy hoa đặc biệt to hơn, có lông tơ bao bọc và có mùi hương ngọt ngào. Loại hoa này có quả, quả có các nang hình trụ, khá dài với các hạt màu nâu..
  • Hoa sứ Adenium Swazicum:
    • Nguồn gốc: Hoa thường có mặt ở Swaziland và các khu vực lân cận ở miền đông Nam Phi và Mozambique. Cây có khả năng chịu được sương giá nhẹ, trời lạnh giá và cả ẩm ướt
    • Thân cây: Thân cây thuộc cây bụi nhỏ, khá mềm, đứng thẳng, cao khoảng dưới 1m với nhiều cành nhánh màu trắng xanh hoặc xám. Đây là loại hoa khá phổ biến, chỉ đứng thứ hai sau Obesum và là cha/mẹ của nhiều giống sứ lai F1 hiện nay.
Hoa su Adenium Swazicum
Hoa sứ Adenium Swazicum
    • Lá: Lá cây thon và nhẵn bóng, khá nhỏ nhưng dài, các đầu lá tựa như phần đầu hình trái tim tạo nên hình thù lá đặc biệt.
    • Hoa: Các cánh hoa mỏng, hoa có hình phễu không có lông mịn hay sọc như hai loại hoa trên. Các cánh hoa hơi tròn với ống hoa/phễu hoa khá hẹp và đầu nhụy gần như “tịt” vào trong. Chính vì đặc điểm này mà nó đã gây khó khăn cho quá trình thụ phấn. Về màu sắc, có thể nói giống Swazicum có màu sắc dường như là đồng nhất với nhau, các màu như hồng nhạt, hồng đậm, tím hoa cà, đỏ tía.
  • Hoa sứ Adenium Somalense: 
    • Nguồn gốc: Phía nam Somalia, Kenya và Tanzania, cây không thể chịu được lạnh, dễ rụng lá vào mùa đông
    • Thân cây: Thân cây khá lớn, phát triển nhanh có thể có chiều cao lên đến gần 4m. Thân cây không phình to mà dường như đều lên phía đỉnh ngọn và có các gai xung quanh. Đây là loại sứ có khả năng lai giống cao, có thể tạo ra được nhiều giống lai mới.
Hoa su Adenium Somalense
Hoa sứ Adenium Somalense
    • Lá: Trên lá có 1 đường gân đỏ chạy dài xuống đến tận cuống lá đây là một đặc tính đặc biệt và được truyền lại cho thế hệ cây lai sau này.
    • Hoa: Đặc điểm loại hoa này có vẻ giống hoa Multiflorum tuy nhiên cánh hoa nở lớn hơn, đầu phễu cũng lớn và không có nhụy hoa dài. Somalense có sắc hoa khá đơn giản, gồm viền cánh hoa màu hồng đến hồng đậm.
  • Hoa sứ Adenium Crispum:
    • Nguồn gốc: Thường xuất hiện ở gần bờ biển phía nam Somalia. Cây thường nhạy cảm với thời tiết lạnh, không sống được trong điều kiện quá nóng ẩm.
    • Thân cây: Thân cây khá nhỏ, chiều cao khiêm tốn, thường cao không quá 50cm. Đặc biệt, thân cây sứ này có gốc phình khá to, nhiều cành nhánh nhỏ, màu xanh sạm. Cây khá nhỏ gọn thường được làm cây cảnh trưng bày tuy nhiên không phổ biến lắm vì cây rất khó trồng.
Hoa su denium Crispum
Hoa sứ Adenium Crispum
    • Lá: Lá cây nhỏ, thuôn dài và có màu xanh xám. Bề mặt lá nhám mọc xung quanh các cành.
    • Hoa: Hoa có dạng phễu, màu hồng nhạt, bung to với 5 cánh. Ống hoa ngắn nhưng rộng, lòng ống màu vàng nhạt có các đường sọc chạy dài từ ống đến các cánh hoa tựa như đường gân máu vô cùng độc đáo.
  • Hoa sứ Adenium Boehmianum: 
    • Nguồn gốc: Đây là loại sứ có nguồn gốc từ phía Tây Bắc Namibia và miền Nam Angola. Cây phát triển chậm và thường nở hoa vào cuối hè – đầu đông, tần suất ra hoa có thể lên tới vài năm nên không giống với những loại sứ khác.
    • Thân cây: Loại sứ này thường mọc bụi, có thân nhỏ, màu sẫm và cành nhánh khẳng khiu.
Hoa su Adenium Boehmianum
Hoa sứ Adenium Boehmianum
    • Lá: Lá thuộc vào dạng lớn nhất trong các loài sứ thuộc chi Adenium với các lá to, đầu thuôn tròn bung rộng màu xanh xám.
    • Hoa: Hoa ra khá ít, cũng có dạng phễu với các cánh hoa mỏng, phần ống hoa màu đỏ tím, ống ngắn. Các cánh hoa có đầu hơi tròn màu hồng phấn nhẹ nhàng khá giống Swazicum. Vì vậy, để có thể phân biệt được hai loại này phải nhìn vào kích thước lá. Về cơ bản thì lá Boehmianum to hơn rất nhiều so với lá Swazicum.
  • Hoa sứ Adenium Oleifolium: 
    • Nguồn gốc: Hoa thường mọc tốt ở Sa mạc Kalahari ở Nam Botswana và Nam Phi, Đông Namibia.
    • Thân cây: Thân cây khá nhỏ với cành nhánh dày đặc. Loài hoa sứ này thường phát triển rất chậm. Có thể phân biệt loại này với nhiều loại sứ khác một cách đơn giản bởi hình dáng bên ngoài cả thân và cánh hoa đều rất đặc biệt.
Hoa su Adenium Oleifolium
Hoa sứ Adenium Oleifolium
    • Lá: Lá cây nhỏ hẹp thường mọc nhiều xung quanh đầu cành. Các lá có hình dáng thuôn dài, hơi khô ráp, nhám và có màu xanh xám.
    • Hoa: Trong các loại sứ thì Oleifolium rất đặc biệt, hoa có kích thước nhỏ nhất so với các loại còn lại. Ống hoa ngắn màu vàng nhạt, có 5 cánh hoa hẹp và nhọn ở đỉnh đầu, nở bung ra ngoài. Nhụy hoa dài màu vàng kéo dài ra ống hoa. Các cánh hoa có màu hồng nhạt, có sọc màu hồng đậm chính giữa cánh kéo dài ra đỉnh cánh hoa.
  • Hoa sứ Adenium Socotranum:
    • Nguồn gốc: Hoa này thường thấy ở Đảo Socotra (Ấn Độ Dương), và đảo Socotra (Biển Ả Rập). Đây được xem là loại sứ hiếm nhất với vẻ đẹp độc đáo, ấn tượng nhất.
    • Thân cây: Cây có gốc khá to độc lớn được ví gần như cổ thụ với đường kính lên đến 1,5-2m. Cây phát triển với chiều cao từ 4 đến 5m. Tuy với vóc dáng khá to, khá khổng lồ tuy nhiên, khi hoa nở, những bông hoa hồng phấn này sẽ tạo nên một vẻ đẹp vô cùng dịu dàng, thơ mộng.
Hoa su Adenium Socotranum
Hoa sứ Adenium Socotranum
    • Lá: Cây có lá thuôn dài, hơi rộng tuy nhiên, trong thời gian ra hoa thì lá dường như là không có.
    • Hoa: Hoa thường nở vào mùa xuân đến gần giữa hè. Hoa có hình phễu, các cánh hoa hơi nhọn, rìa cánh ít nhăn. Ống hoa màu trắng hồng có các đường sọc hồng đậm hơn, nhụy dài màu hồng nhạt.
  • Hoa sứ Adenium Arabicum: 
    • Nguồn gốc: Bán đảo Ả Rập, đặc biệt là từ Ả Rập Saudi Arabia, Oman và Yemen
    • Thân cây: Thân cây cứng cáp có phần giống với Obesum tuy nhiên Arabicum có gốc to hơn, mập mạp hơn và mọng nước hơn. Giống sứ này có nhiều cành thẳng, chiều cao cây có thể từ 90cm và có thể lên tới 3,5m.
hoa su adenium arabicum 1
Hoa sứ Adenium Arabicum
    • Lá: Lá cây Arabicum thường mọc tập trung ở đầu cành. Các lá có vẻ ngắn nhưng bản to hơn Obesum và có màu xanh lá sáng trông rất khỏe khoắn.
    • Hoa: Hoa sứ này có hình dạng giống các loại sứ khác tuy nhiên, các cánh hoa hơi nhọn, có màu sắc đặc biệt hơn, xung quanh viền hoa là màu hồng đậm xen vào đó là màu trắng độc đáo. Ống hoa có màu vàng nhạt với nhụy dài màu hồng đậm cùng với đó là 5 sọc đậm chạy ra các cánh hoa nhưng không kéo dài đến cánh hoa.

Ý nghĩa của hoa sứ

Hoa sứ là loài hoa khá quen thuộc với người Việt Nam ta, dù đi đâu, bạn cũng có thể bắt gặp hình ảnh hoa sứ. Hoa sứ là biểu tượng của sự sung túc, dài lâu. Tại sao lại nói như vậy? Hãy cùng chúng tôi điểm qua một số ý nghĩa đặc trưng của loài hoa này:

1. Ý nghĩa của hoa sứ trong phong thủy

Hoa sứ mang ý nghĩa phong thủy, là loại hoa được đánh giá cao và mang phong thủy vô cùng tốt. Theo quan niệm phong thủy, loài hoa này mang đến một sự dồi dào về tiền bạc giúp cho gia chủ nhiều phúc lộc, giúp công việc luôn suôn sẻ, phát đạt, cuộc sống vui tươi, thuận ý. Chính vì như thế, loài hoa này thường được nhiều người mua, trồng nhằm tạo phong thủy tốt cho bản thân, cho công việc.

Hoa su 6
Hoa sứ mang ý nghĩa phong thủy tốt

Hoa sứ được trưng bày trong không gian nhà vừa tạo nên một điểm nhấn đặc biệt, vừa giúp ngôi nhà có phúc khí hơn. Ngoài ra, khi trưng bày loại hoa này, nó còn tạo cho gia chủ cảm giác an lành, ấm áp cho gia đạo. Mỗi màu hoa đều thể hiện một ý nghĩa phong thủy khác nhau, phù hợp với những mệnh khác nhau:

  • Bông hoa sứ màu trắng: Màu trắng tinh khiết, trong trẻo đây là biểu tượng của hành Kim chính vì thế thích hợp cho những người thuộc mệnh kim có thể sử dụng trang trí trong nhà nhằm mang đến sự may mắn, phát đạt và thịnh vượng. Hoa sứ trắng biểu tượng cho một sự khởi đầu mới giúp cho gia chủ luôn gặp nhiều may mắn, suôn sẻ và đạt được nhiều thành công.
Hoa su 7
Ý nghĩa hoa sứ trắng, đỏ trong phong thủy
  • Bông sứ màu đỏ: Bông sứ màu đỏ, màu hồng đậm là biểu tượng cho sự hạnh phúc, trọn vẹn. Màu đỏ là gam màu nóng thuộc mệnh hỏa.
    • Trong phong thuỷ, hoa sứ đỏ tượng trưng cho sức mạnh sáng tạo, nguồn năng lượng mới vô cùng mạnh mẽ, đem lại hồng phúc và sự phát đạt cho gia đình và công việc.
    • Ngày Tết, người ta thường quan niệm rằng việc trưng hoa sứ đỏ sẽ mang đến một năm mới tràn đầy hứng khởi và tài lộc. Cây có hoa nở càng sai thì cuộc sống gia chủ sẽ ngày càng hưng thịnh, đủ đầy.

2. Ý nghĩa của hoa sứ tại các nền văn hóa khác nhau trên thế giới

Hoa sứ có mặt tại nhiều nơi trên thế giới, tùy vào từng điều kiện thời tiết khác nhau mà loài hoa sứ này được trồng tại những nơi khác nhau và có đặc điểm riêng biệt. Chính vì thế, ý nghĩa loài hoa này cũng có không giống nhau ở mỗi nền văn hóa. Sau đây là ý nghĩa hoa sứ trong các nền văn hóa khác nhau trên thế giới:

  • Ý nghĩa của hoa sứ trong văn hóa Hawaii:

Hoa sứ mang nhiều ý nghĩa tích cực, những điều tốt đẹp. Đặc biệt, đây còn là biểu tượng cho người phụ nữ thể hiện vẻ đẹp, tuổi xuân của họ. Khi đến đất nước này, bạn sẽ thấy hình ảnh những người phụ nữ kết hoa đại thành vòng để đội lên đầu hoặc làm vòng đeo trên cổ vào những dịp lễ hội như những thứ trang sức lộng lẫy. Đây là nét đặc trưng văn hóa lâu đời của người Hawaii.

hoa su 8
Hoa sứ trong văn hóa Hawaii mang ý nghĩa tốt đẹp, tích cực

Đặc biệt, tại đây, những bông hoa sứ cài lên đầu cũng cho biết được tình trạng hôn nhân của họ. Người đàn ông sẽ nhìn vào vị trí cài hoa để đoán được người phụ nữ này đã có chồng hay chưa và dựa vào đó để kết thân. Hoa sức nếu được đeo phía bên tai phải tức là người con gái này đang độc thân và đang chờ người nên duyên. Đeo bên tai trái, tức là người phụ nữ này đã có gia đình. Có thể nói, đây là đặc điểm nhận dạng vô cùng tinh tế, là nét văn hóa tốt đẹp của người Hawaii.

  • Ý nghĩa hoa đại trong văn hóa Phật giáo: 

Bạn thường bắt gặp hình ảnh hoa sứ trong Phật giáo tại các chùa chiền, đền thờ, miếu, đình,… Đối với Phật giáo, hoa sứ biểu tượng của sức sống và những điều tốt lành. Đây là loài hoa gắn liền với cửa Phật, có ý nghĩa cao quý, nhân sinh sâu sắc. Người Phật tử nếu kết hợp với hoa đại sẽ mang ý nghĩa về sự bất tử. Hoa sứ mang vẻ đẹp của sự tinh khiết, thanh nhã biểu thị những điều tốt lành những niềm vui trong cuộc sống.

cay hoa su 2
Ý nghĩa tâm linh,phúc lành trong Phật giáo

Nếu có tìm hiểu về quốc hoa của các nước trên thế giới chắc hẳn bạn cũng biết được hoa sứ chính là quốc hoa của đất nước Lào láng giềng. Người dân Lào thường gọi hoa này với cái tên hoa Champa vô cùng thân thuộc, gần gũi và thể hiện tình yêu với nó. Với người dân Lào, hoa sứ biểu hiện tính cách đôn hậu, hiền hòa của người dân xứ Chămpa, đại diện cho sự chân thành và niềm vui trong cuộc sống.

  • Ý nghĩa của hoa đại trong văn hóa Hindu:

Trong nền văn hóa Hindu, có thể thấy hoa sứ có vai trò cực kỳ quan trọng, biểu tượng cho văn hóa Ấn độ giáo. Đặc biệt, loài hoa này tượng trưng cho những cống hiến của những nghệ sĩ với tác phẩm nghệ thuật của họ. Bên cạnh đó, người theo đạo Hindu cũng thường kết vòng hoa sứ để đội đầu dùng trong đám cưới với mong muốn khi kết hôn sẽ được hạnh phúc, tượng trưng cho sự sinh sôi, mong muốn có gia đình đông con, hòa thuận và êm ấm.

cay hoa su 3
Hoa sứ – biểu tượng của sự cống hiến
  • Ý nghĩa của bông sứ trong văn hóa Mexico:

Mexico được xem là quê hương của hoa sứ nó gắn liền với những yếu tố tâm linh tương tự như Việt Nam. Hoa sứ ở đất nước này có ý nghĩa khai sinh ra các vị thần linh. Không những vậy, bông sứ còn mang một ý nghĩa tượng trưng cho vẻ đẹp người phụ nữ ngụ ý nói người phụ nữ có mang nét đẹp trẻ trung, quyến rũ và rất thu hút.

cay hoa su 4
Gắn liền với yếu tố tâm linh

3. Ý nghĩa của bông sứ trong tình yêu

Hoa sứ mang vẻ đẹp tinh khôi, trong trắng, là biểu hiện của sự dịu dàng, nhẹ nhàng mà vô cùng quyến rũ của người phụ nữ. Trong tình yêu, hoa sứ mang ý nghĩa của một sự khởi đầu tốt đẹp với biểu thị một lời nhắn nhủ muốn gắn bó dài lâu. Hương hoa thơm nhẹ bay trong gió thể hiện một tình yêu đẹp, ngát hương.

Bông hoa sứ còn nói lên tình yêu tha thiết, thủy chung, là sợi dây liên kết gắn kết các cặp đôi. Chính vì thế người ta thường đan hoa thành vòng như biểu tượng của sự liên kết, tình yêu trọn vẹn ở các nước láng giềng.

cay hoa su 6
Hoa sứ thể hiện tình yêu tha thiết, thủy chung

Công dụng của loài hoa sứ trong đời sống chúng ta

Hoa sứ không chỉ đẹp, là một loại cây cảnh giá trị kinh tế, văn hóa. Loài hoa này còn được dùng trong các lĩnh vực y học với tác dụng chữa bệnh vô cùng hiệu quả mà ít ai biết đến.

Hoa sứ làm cây cảnh trang trí: 

Hoa sứ du nhập vào Việt Nam, được lai ghép và nhân giống tạo ra nhiều kiểu dáng hoa vô cùng đẹp. Bên cạnh đó, nhờ bàn tay khéo léo của những nghệ nhân đã tạo nên những kiểu sứ bonsai trông rất bắt mắt, đẹp. Cây hoa sứ thích nghi với nhiều điều kiện thời tiết, là loài hoa cũng khá dễ trồng và sinh sống chính vì thế nhiều người chơi hoa sẽ mang hoa về để trang trí tôn lên vẻ đẹp ngôi nhà, tạo giá trị phong thủy vô cùng tốt.

cay hoa su 8
Cây sứ trang trí nhà cửa

Hoa sứ thường được đặt trước nhà để trang trí, trong phong thủy nó mang lại tài lộc, an lành, hạnh phúc cho gia chủ. Tuy nhiên để đạt những giá trị này thì vị trí đặt hoa cũng rất quan trọng. Bạn nên lưu ý không đặt ở giữa lối đi và theo hướng Tây, Tây Nam. Người ta thường quan niệm, những vị trí này nếu đặt hoa sứ trưng bày có thể mang đến những điều không may mắn, không mang lại giá trị tốt cho gia chủ.

Hoa sứ làm thuốc trị bệnh trong y học: 

Các bộ phận hoa sứ đều chứa độc tố, độc nhiều nhất ở nhựa cây, khi đụng phải vào da người có thể gây ra xung huyết da, gây rát, mẩn đỏ hoặc nếu ăn phải nhựa có thể dẫn đến ngộ độc. Tuy vậy, bông sứ được nghiên cứu với các thành phần trong cây có thể dùng làm các loại thuốc chữa trị cho con người.

  • Phần tinh dầu có tác dụng rất tốt trong điều trị mất ngủ, an thần và điều trị chứng run của con người.
  • Phần vỏ cây được nghiên cứu dùng làm thuốc tẩy xổ, nhuận tràng, chữa táo bón và chữa thủy thũng.
  • Nhựa và mũ rất độc tuy nhiên chúng được nghiên cứu tạo ra loại mỡ nhằm điều trị chứng viêm da, chai chân hay những vết loét viêm tấy.
cay hoa su 9
Là thuốc chữa bệnh viêm ngoài da hiệu quả
  • Phần lá cây sứ được nghiên cứu điều trị chứng bong gân, sai khớp, mụn nhọt khá hiệu quả.
  • Hoa sứ được sử dụng nhiều nhất, là cứu tinh cho những chứng ho, đờm lâu ngày và trường hợp bị hạ huyết áp. Bên cạnh đó, phần hoa được người dùng lặt ra và đem phơi khô để làm thuốc chữa trị các chứng kiết lỵ, tiêu chảy.

Hoa sứ làm quà tặng ý nghĩa:

Hoa sứ biểu tượng cho sự sung túc, dài lâu chính vì thế loài hoa này thường được tặng trong những dịp đón năm mới, đầu xuân. Với ngụ ý, chúc cho gia chủ/người được tặng có một mùa xuân hạnh phúc, một khởi đầu mới tốt đẹp, đầy thành công. Bên cạnh đó, bông sứ còn được tặng cho những dịp tân gia mừng nhà mới, khai trương với mong muốn cầu chúc hạnh phúc, may mắn, làm ăn phát đạt.

Quà tặng khai trương, chúc tết

Tuy vậy, loài hoa này còn mang ý nghĩa phong thủy chính vì thế chỉ nên dùng để tặng cho những người có mệnh hợp với hoa sứ. Hãy tham khảo chọn những hoa sứ có màu sắc phù hợp với mệnh người được tặng để tránh những xui rủi.

Cách trồng và chăm sóc hoa sứ

Để trồng hoa sứ đẹp, giữ được tuổi thọ cây lâu nhất bạn cần phải có những kỹ thuật tốt nhằm trồng và chăm sóc cây. Sau đây chúng tôi sẽ hướng dẫn bạn cách trồng và chăm sóc cây hiệu quả:

1. Chọn chậu

Như đã trình bày ở trên, cây sứ là loại cây ưa khô hạn, kỵ ẩm ướt chính vì thế bạn nên chọn những chậu có tính hút ẩm tốt được làm từ xi-măng hoặc đá mài. Những chậu này không nên tráng men để tăng tính hút ẩm tốt đồng thời, phần dưới đáy phải có lỗ lớn để thoát nước. Nếu được, hãy làm thêm một đế để đặt chậu cây lên việc này sẽ giúp việc thoát nước được tốt hơn đồng thời còn giúp tăng tính thẩm mỹ.

cay hoa su d
Chọn chậu cây có khả năng hút ẩm tốt, không tráng men

2. Nhân giống

Có hai phương pháp để nhân giống phổ biến đó là gieo hạt giống và giâm cành. Tuy nhiên, việc nhân giống bằng hạt sẽ tốn nhiều thời gian và cách trồng khó hơn. Bạn phải chọn những hạt khỏe mạnh, tươi mới sau đó ngâm hạt trong nước ấm từ 7 – 10 tiếng mới được vớt ra và vùi hạt vào đất.

Phương pháp này thường không được ứng dụng nhiều vì tỉ lệ nảy mầm cũng như quá trình trồng và chăm sóc phải tốn rất nhiều thời gian và dày công hơn chính vì thế người ta thường chọn giâm, ghép cành. Phương pháp giâm, ghép cành tiện lợi hơn rất nhiều, cách thức trồng cũng vô cùng đơn giản mà cây ra hoa rất tốt, đẹp.

cay hoa su 9 1
Tiến hành nhân giống bằng hạt hoặc nhâm, ghép cành

3. Chuẩn bị đất trồng

Bạn nên chọn loại đất trồng có độ pH từ 6 – 7 đủ tơi xốp và chất dinh dưỡng. Bởi vì đặc tính của cây, tốt nhất bạn không nên chọn những đất quá khô cứng, không dinh dưỡng cũng như không quá ẩm mà hãy chọn những đất trồng được trộn giữa đá Perlite, tro trấu, xơ dừa, các loại phân bò. Đây là loại đất thích hợp nhất để trồng cây và cho cây phát triển.

4. Kỹ thuật chăm sóc

Để cây phát triển tốt thì kỹ thuật chăm sóc cây rất quan trọng:

  • Nên đặt cây tại những nơi có ánh sáng tốt, ánh sáng càng mạnh càng tốt như thế cây sẽ dễ sống và phát triển.
  • Vào mùa đông, tuyệt đối không để cây chịu lạnh, hãy đưa cây vào nhà sau đó phủ miếng bạt đối hoặc đắp rơm rạ với những cây to.
cay hoa su 02
Trồng cây ở những nơi có ánh sáng mặt trời mạnh
  • Cần đảm bảo tưới cây 1 đến 2 lần/ tuần, không nên tưới quá nhiều lần làm đất quá ẩm dẫn đến chết cây. Cần kiểm tra độ ẩm cây thường xuyên tránh để đất quá khô cằn ảnh hưởng không tốt đến cây.
  • Hãy thay chậu cho cây khi cây phát triển để cây phát triển tốt hơn, cần thay chậu vào mùa nắng.
  • Bên cạnh đó, hãy tỉ cây thường xuyên định kỳ cho cây nhằm giúp cây có hình dáng đẹp hơn đồng thời khả năng phát triển cũng tốt hơn. Nên tỉa vào tháng 10 – 11 âm lịch, tránh tỉa vào mùa mưa vì rất có thể làm úng rễ, chết cây.

Kết luận: Hoa sứ là loài hoa có vẻ đẹp tự nhiên với nhiều kiểu dáng, màu sắc khác nhau. Đây là loài hoa rất giá trị, là quà tặng ý nghĩa dành tặng cho người thân, người quen vô cùng có ý nghĩa. Bài viết trên đây đa phần nào cung cấp thông tin cơ bản về loài hoa sứ, chúng tôi rất mong có thể giúp bạn có thêm thông tin, hiểu biết về loại hoa này.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Messenger
Zalo
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây