Hoa Sữa: Mùi hương thoang thoảng, gợi sự nhớ nhung, lưu luyến
Hoa sữa đã đi vào rất nhiều tác phẩm từ văn học đến âm nhạc của những tác giả nổi tiếng. Loài hoa đặc trưng của Hà Nội này quen thuộc và đặc biệt tới mức còn có hẳn một mùa riêng gây rất nhiều “thương nhớ” cho những người đã một lần thưởng thức. Hoa sữa có mùi hương đặc trưng, người ngửi được thì sẽ cảm thấy rất thơm, nhưng với người không chịu được thì quả là một trải nghiệm khó quên. Cùng tìm hiểu về loài hoa thú vị này trong bài viết dưới đây nhé.
Những điều cần biết về hoa sữa
Giống như hoa phượng chỉ nở vào mùa hè khi các em học sinh chuẩn bị tạm biệt mái trường, hoa sữa nở vào tháng 9 và tháng 10 hàng năm với hương thơm đặc trưng lan tỏa khắp ngõ ngách Hà Nội. Hoa sữa là một loại cây thuộc họ Apocynaceae với tên khoa học là Alstonia scholaris. Một số nơi còn gọi loài cây này với cái tên cây mò cua.
Hoa sữa sinh trưởng và phát triển tại những nơi có khí hậu nhiệt đới và cận nhiệt như Đông Nam Á, Ấn Độ hay một số vùng tại châu Úc. Hoa sữa thường được tìm thấy tại miền nam Trung Quốc, Ấn Độ, Việt Nam, Campuchia, Thái Lan, Singapore, Philippines, Indonesia, Myanmar, Nepal và Úc. Những khu vực này có khí hậu nóng ẩm, nhiều mưa nên rất thích hợp cho loài cây này sinh tồn và phát triển.
Hoa sữa là thực vật hạt kín, thân gỗ và xanh quanh năm. Chiều cao của cây khi trưởng thành có thể lên đến 40-50 cm. Thân cây mọc thẳng và thường có hình trụ tròn. Một số loài hoa sữa tại New Guinea có thân cây ba cạnh độc đáo, khác với loại được trồng ở Việt Nam.
Vỏ cây có màu xám với nhiều nốt sần. Cây phân thành nhiều tầng nhánh, mỗi nhánh lại bao gồm nhiều nhánh nhỏ khiến tán cây nhìn um tùm.
Lá của loài hoa này hẹp và thuôn dài, có màu xanh, gân lá hình lông chim, mặt lá bóng không có lông tơ, rìa lá mịn không có răng cưa. Lá mọc ở đầu cành thành từng chùm từ 3 đến 10 lá và xòe ra như bông hoa, đỡ lấy phần hoa sữa bên trên. Cách sắp xếp lá đặc biệt này là đặc điểm chỉ có trên hoa sữa, tạo nên sự độc đáo cho loài hoa này.
Hoa sữa là loại cây lưỡng tính, có thể tự thụ phấn và ra hoa. Hoa sữa có màu xanh nhạt khi còn non và trắng đục khi trưởng thành, hoa nhỏ và mọc thành chùm.
Cánh hoa dạng ống, cuộn tròn như cái phễu khiến hoa sữa có hình dáng vô cùng đặc biệt, không thể lẫn lộn với những loài hoa khác. Loài hoa này có mùi hương đặc trưng khá đậm, giống mùi dạ lý hương nhưng nồng và đặc biệt hơn.
Trong mùa hoa nở, hoa sữa nếu trồng với mật độ thấp thì có hương thơm khá dễ chịu, không gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe. Tuy nhiên, nếu được trồng quá dày đặc thì có thể gây đau đầu, buồn nôn và chóng mặt cho nhiều người khi hít phải.
Do đó nhiều nơi tại Hà Nội đã phải di dời bớt những cây hoa sữa đi để đảm bảo chất lượng sinh hoạt cho người dân xung quanh. Bên cạnh đó, phấn hoa sữa cũng có thể gây hại cho người mắc chứng hen suyễn, hoặc bệnh nhân có tiền sử dị ứng với phấn hoa.
Hoa sữa có phần nhựa cây màu trắng đục, có chứa độc tính, dính rất chắc và khó tẩy sạch. Hãy cẩn thận đừng để nhựa hoa sữa dính vào người. Nếu có lỡ dính vào quần áo hay tay chân, bạn nên làm sạch vết dính bằng xăng và dầu hỏa để không làm hư hại quần áo và làm tổn thương làn da.
Trong tự nhiên, rất nhiều loại cây thuộc họ Apocynaceae có hoạt tính sinh học và dược tính cao nên thường được dùng để nghiên cứu và bào chế thuốc. Từ y học cổ truyền đến y học hiện đại, những loài này vẫn luôn được nghiên cứu và thử nghiệm về khả năng chữa bệnh cho con người.
Hoa sữa cũng tương tự và từ lâu, loài cây này đã được sử dụng trong các phương thuốc cổ truyền để điều trị giun sán, tiêu chảy, bệnh ngoài da, thấp khớp, viêm phổi, hen suyễn và nhiều bệnh khác. Trong y học hiện đại, loài hoa này được dùng để kháng khuẩn, chống ung thư, hỗ trợ điều trị tiểu đường, giảm đau, giảm căng thẳng và chống viêm.
Hoa sữa lớn nhanh, dễ trồng, dễ chăm sóc và có tán rộng giúp che nắng che mưa rất tốt. Do đó loài cây này thường được trồng hai bên đường lấy bóng mát và làm đẹp. Ngoài ra chúng ta còn có thể tìm thấy loài cây này tại sân trường, khu dân cư, sân chơi trẻ em, khu đô thị, công viên, đường đi ven sông hồ, hoặc trồng làm cảnh tại các khu biệt thự, biệt phủ lớn.
Với mật độ cây trồng phù hợp, hoa sữa sẽ mang đến hương thơm ngọt ngào và làm đẹp cho những khu vực kể trên. Tuy nhiên cần lưu ý là hoa sữa rất thu hút các loài có hại, như sâu đục thân hay sâu róm, lý do là phần nhựa cây là món ăn hấp dẫn với những loài này. Hãy cẩn thận khi đi ngang hoặc đứng dưới tán cây, vì rất có thể bạn sẽ bị một con sâu rơi trúng đầu.
Ý nghĩa của hoa sữa
Tại Ấn Độ, loài hoa này được gọi là Saptaparni (thất diệp hay bảy lá) với “sapta” là số 7 và “parni” là lá cây trong tiếng Phạn. Cái tên đặc biệt này xuất phát từ việc những cụm lá của loài hoa này thường bao gồm 7 lá mọc thành chùm. Ngày xưa người Ấn Độ xem hoa sữa là một loài cây kỳ quái, và gọi nó là “cây quỷ” vì hình thù và mùi hương đặc biệt của hoa.
Theo truyền thuyết, hoa sữa là nơi trú ngụ của ma quỷ, cho nên nếu bạn ngủ dưới gốc cây, đặc biệt là vào ban đêm thì có thể bị ma quỷ nhập hồn hoặc bắt đi. Ngoài ra khi đứng dưới tán cây và ngửi mùi hoa, nhiều người cho rằng bản thân sẽ bị ảo giác, và nhanh chóng rơi vào trạng thái lâng lâng khó chịu như bị thôi miên.
Cảm giác khó chịu đến mức phát sinh ảo giác khi ngửi mùi hoa này là hoàn toàn có thật. Bằng chứng là nhiều người không thể chịu nổi mùi hoa trong mùa nở rộ. Hương hoa nồng nặc có thể gây cảm giác nôn nao, chóng mặt, và buồn nôn.
Ở Việt Nam thì hoa sữa gắn liền với hình ảnh mùa thu của thủ đô Hà Nội. Vào tháng 9 và tháng 10 hàng năm khi hoa nở, chúng ta có thể nhìn thấy từng ngõ phố, từng con đường, với những hàng cây nở hoa trắng xóa cả một khoảng trời. Với người dân Hà Nội hoặc những người xa quê hương, hoa sữa là một trong những hình ảnh in đậm trong tâm trí họ về nét đẹp của thủ đô.
Sáng mùa thu tản bộ bên hồ, ngắm nhìn những bông hoa nhỏ nhắn nở rộ, và thưởng thức mùi hương hoa sữa thơm lừng là thói quen của nhiều người Hà Nội khi thu về. Lúc này bầu trời trong xanh, khí trời mát mẻ, dịu nhẹ và hương hoa sữa hòa quyện tạo nên không khí nên thơ và trữ tình. Đây là khung cảnh mà ai cũng nên thử cảm nhận một lần khi sống tại thủ đô nghìn năm văn hiến.
Hoa sữa không kiêu sa, không lộng lẫy mà rất bình dị và gần gũi. Loài hoa này tượng trưng cho những gì thân thuộc, đơn sơ và bình thường nhất. Những điều chúng ta đã lãng quên khi chìm đắm vào guồng quay hối hả của thời đại. Vì thế giữa những bộn bề của cuộc sống, hãy dừng chân đôi chút để ngắm nhìn và tận hưởng nét đẹp của mùa hoa sữa, mùa thu Hà Nội.
Ngoài ra, loài hoa này còn là biểu tượng cho những mối tình ngây ngô, trong sáng và giản dị. Yêu nhau tặng nhau những cảnh hoa sữa. Loài hoa này thay cho lời tỏ tình vụng dại của tuổi học trò, của những con người ngây ngô lần đầu biết rung động.
Hoa sữa mọc thành chùm thể hiện tình cảm quấn quýt. Đó là sự quyến luyến không muốn xa rời của những người yêu nhau, sự đoàn kết và tình cảm ấm áp của những thành viên trong gia đình, và cả sự sung túc ấm no và niềm hạnh phúc của mỗi ngôi nhà nhỏ.
Với nhiều ý nghĩa tốt đẹp cùng sắc trắng nên thơ đầy mơ mộng, hoa sữa được nhiều cặp đôi chọn làm background chụp hình cưới, hoặc thiết kế bó hoa cưới cầm tay cho cô dâu trong ngày trọng đại. Mục đích là hy vọng tình cảm của cả hai sẽ trắng trong như màu hoa sữa, mãi mãi nương tựa chia ngọt sẻ bùi như những chùm hoa nhỏ, và tình yêu mãi luôn thắm đượm như hương hoa khi vào thu.
Công dụng của hoa sữa trong đời sống
Tác dụng phổ biến của hoa sữa là trồng làm cảnh và lấy bóng mát che nắng. Tuy nhiên ít người biết rằng loài cây này có nhiều dược tính được ứng dụng rộng rãi trong y học cổ truyền và y học hiện đại.
Y học cổ truyền
Người ta thu hoạch phần vỏ cây, đem đi rửa sạch và loại bỏ hết những nốt sần sùi để có được phần vỏ sạch sẽ nhất. Sau đó vỏ cây hoa sữa được đem đi phơi khô/sấy khô và là một thành phần quan trọng trong những bài thuốc dân gian của nhiều dân tộc và quốc gia như Ấn Độ, Trung Quốc, Thái Lan, Malaysia, Việt Nam,…
Những bài thuốc này dùng để giải độc, bồi bổ sức khỏe, chữa sốt rét, kiết lỵ, viêm da, nấm da, bệnh về phổi, viêm xương khớp, thiếu máu và nhiều chứng bệnh khác. Ngoài ra trong hoa sữa còn có chất chống viêm và kháng khuẩn rất tốt, chuyên dùng sát trùng ngoài da hoặc chữa đau răng.
Y học hiện đại
Nhiều nghiên cứu khoa học đã chỉ ra rằng, một số chất có trong lá, vỏ cây, thân, rễ và hoa của hoa sữa như alcaloid, ditamine, flavonoid, echitenine, terpenoid,… có tác dụng chữa bệnh. Những chất này khả năng ức chế tế bào ung thư, hỗ trợ miễn dịch, tiêu viêm, giảm đau, giảm căng thẳng và làm giảm nguy cơ mắc tiểu đường.
Chống ung thư
Căn bệnh ung thư gần như là bản án tử hình cho những người mắc bệnh. Lý do là vì bệnh khó có thể phát hiện sớm, và tình trạng bệnh có thể chuyển biến xấu một cách mau chóng.
Đa phần các trường hợp bệnh nhân ung thư được phát hiện đều là giai đoạn cuối, và người bệnh phải đối diện với những đợt xạ trị cùng vào thuốc liều mạnh. Những thứ này gần như làm suy kiệt sức khỏe và vượt quá khả năng chịu đựng của cơ thể.
Chính vì thế các nhà khoa học vẫn đang nghiên cứu những phương pháp chữa bệnh hiệu quả và nhẹ nhàng hơn với bệnh nhân. Một trong số những nghiên cứu đó là ứng dụng thảo mộc vào chữa bệnh để giảm bớt độc tính mà cơ thể phải chịu đựng.
Một số chiết suất từ vỏ, thân, rễ và lá cây hoa sữa có tác dụng ức chế sự phát triển của những tế bào có hại. Đây là điểm sáng trong quá trình nghiên cứu phương pháp chống chọi, cũng như chữa trị căn bệnh thế kỉ như ung thư.
Giảm đau, chống viêm
Chất alkaloid có trong lá cây hoa sữa được cho là có tác dụng kháng khuẩn và giảm đau mạnh, ít gây tác dụng phụ hay ảnh hưởng xấu đến sức khỏe. Do đó alkaloid vẫn đang được nghiêm cứu để đưa vào điều chế thuốc.
Giảm căng thẳng
Căng thẳng và trầm cảm là những vấn đề của thời đại mà hầu hết mọi người, hoặc ít hoặc nhiều đều phải trải qua. Do đó nhiều người phải tìm đến thuốc để giữ bình tĩnh và làm dịu cảm xúc. Một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng các hoạt chất có trong hoa sữa có tác dụng chống căng thẳng, cải thiện khả năng làm việc của não, làm dịu cảm xúc và ngăn chặn những suy nghĩ tiêu cực.
Rối loạn tiêu hóa
Nước sắc từ vỏ cây hoa sữa có khả năng cải thiện hệ tiêu hóa, giúp làm giảm các triệu chứng đầy bụng, khó tiêu, tiêu chảy gây ra do rối loạn tiêu hóa. Ngoài ra loại nước này còn có tác dụng chữa kiết lỵ rất tốt.
Chữa đái tháo đường
Chế độ ăn uống không lành mạnh và ít vận động là những nguyên nhân chính gây ra tình trạng béo phì, đái tháo đường đang ngày càng tăng cao trong những năm gần đây. Do đó các nhà khoa học đã có nhiều nghiên cứu để tìm ra cách điều trị hiệu quả cho căn bệnh này.
Theo các nghiên cứu thì trong lá và vỏ của cây có chất Methanol được xem là khắc tinh của alpha – glucoside và giúp hỗ trợ điều hòa lượng đường trong máu. Do đó loài cây này vẫn đang được nghiên cứu và ứng dụng trong phòng ngừa và điều trị bệnh tiểu đường.
Tuy có nhiều công dụng chữa bệnh, nhưng một số chất trong hoa sữa vẫn được xem là chất độc. Vì thế hãy hết sức cẩn thận khi sử dụng, và tốt nhất là dùng theo hướng dẫn của bác sĩ để tránh gây hại cho sức khỏe. Một số cuộc thí nghiệm cho thấy, chiết suất vỏ cây hoa sữa có ảnh hưởng đến khả năng sinh sản của loài gặm nhấm (chuột thí nghiệm).
Ngoài ra phấn và hương hoa sữa cũng có thể kích thích cơn hen từ những người bị hen suyễn, và gây khó thở, hắt hơi không ngừng với những bạn có tiền sử viêm mũi dị ứng.
Hoa sữa là một nét đẹp sâu lắng và cổ kính, là sự thân thuộc gắn bó mỗi khi thu về của người Hà Nội. Nếu là người dân Hà thành, hoặc từng sống tại thành phố cổ kính này, thì chắc hẳn bạn khôn nên bỏ qua màu hoa sữa hàng năm.
Thưởng thức vẻ đẹp hoa sữa cũng giống như thưởng thức vẻ đẹp thân thuộc và đầy thơ mộng của Hà Nội. Tuy mùi hoa sữa có thể gây khó chịu cho nhiều người, nhưng không thể phủ nhận hoa sữa là một nét đặc trưng mà Hà Nội không thể thiếu.
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn