Hoa Phù Dung: Nguồn gốc, đặc điểm, ý nghĩa và cách chăm sóc
Khi nhắc đến hoa phù dung chúng ta sẽ nghĩ ngay đến loài hoa mang một đặc tính vô cùng đặc biệt đó chính là sớm nở tối tàn. Hoa mang trên mình những cánh hoa mềm mại, uyển chuyển với sắc màu tươi tắn, nhẹ nhàng nhưng không kém phần sang trọng. Loài hoa này mang nhiều ý nghĩa tốt đẹp, được trồng để làm cây phong thủy mang lại thành công, may mắn, hạnh phúc và vui vẻ cho mọi người, mọi nhà.
Tìm hiểu sự tích hoa phù dung
Ngày xửa ngày xưa có một nàng tiên nữ xinh đẹp tên là Phù Dung, nàng có gương mặt khả ái, nhưng lúc nào cũng thể hiện một nét đượm buồn trên khuôn mặt. Một lần nọ, nàng được Vương Mẫu nương nương cho phép xuống trần gian để thưởng ngoạn, nhưng vì quá say mê cảnh vật dưới hạ giới nên nàng đã đáng mất lá bùa, là phương tiện để nàng có thể được quay về tiên giới.
Đúng lúc đó, có chàng trai tên là Đông Tâm làm nghề thợ săn đi ngang qua thấy nàng xinh đẹp lại hiền lành nên thương tình đưa về nhà mình cho nàng tạm trú ít hôm. Vì là tiên nữ nên Phù Dung đã dùng phép thuật để chữa bệnh cho mẹ chàng trai. Đông Tâm vô cùng cảm kích trước tấm lòng nhân hậu của nàng, sau một thời gian ở bên nhau thì hai người đã cảm mến và đem lòng yêu nhau.
Nhưng Vương Mẫu nương nương đã phát hiện ra sự tình và nổi giận, vì yêu chàng nên nàng Phù Dung đã chấp nhận đánh cược với Vương Mẫu về tình cảm chân thành và tấm lòng lương thiện của chàng Đông Tâm dành cho mình luôn thật lòng. Nàng đã chấp nhận không quay về trời và từ bỏ thân phận tiên nữ của mình để đầu thai thành một nam nhi và phải mất một khoảng thời gian dài hơn 20 năm mới có thể tìm gặp lại chàng trai Đông Tâm năm ấy.
Thế nhưng khi gặp lại nhau thì Đông Tâm là người đã có gia đình và con cái đề huề, chàng không thể dứt bỏ được những người thân yêu của mình. Nàng Phù Dung đã giải thích và cố níu kéo nhưng vẫn không làm lay động được suy nghĩ của chàng. Nàng chấp nhận thua cuộc và đau đớn vô cùng, toàn bộ thân thể và trái tim của nàng đã tan vỡ thành trăm mảnh và hóa thành một loài hoa.
Vì thương nàng tiên nữ nên Vương Mẫu đã làm phép giúp cho loài hoa nở vào buổi sáng sớm, tàn vào lúc nửa đêm, tránh để cho chàng Đông Tâm nhìn thấy lại khiến nàng đau khổ, tuyệt vọng, theo truyền thuyết thì đây cũng chính là nguồn gốc ra đời của loài hoa tên Phù Dung.
Hoa phù dung có nguồn gốc, xuất xứ từ đâu?
Theo sổ sách ghi chép, hoa phù dung có nguồn gốc từ vùng miền đông của đất nước Ấn Độ. Hoa có tên khoa học là Hibiscus mutabilis, thuộc họ Malvaceae (cẩm quỳ), là dòng thực thân nhỡ có hoa. Vì hoa mang vẻ ngoài đẹp mắt hấp dẫn nên được nhiều nước khác chọn trồng làm hoa trang trí, chẳng hạn như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Trung Quốc, Philippin.
Hiện tại, loài hoa này đã được du nhập vào đất nước Việt Nam, hoa mang đặc tính thích nghi với những vùng có khí hậu mát mẻ, độ ẩm cao nên chủ yếu được trồng và phát triển nhiều ở vùng phía bắc nước ta. Ngoài cái tên mỹ miều xinh đẹp phù dung thì hoa còn được gọi với nhiều cái tên khác như mộc phù dung, phù dung thân mộc, mộc liên, phù dung núi, địa phù dung, cự sương, sương giáng, túy tửu phù dung, có thể nói phù dung là cây hoa mang nhiều tên nhất trong các loài hoa
Những đặc điểm cơ bản của hoa phù dung
Hoa phù dung thuộc dạng thân nhỡ, cây bụi mọc riêng lẻ, chiều cao trung bình khoảng 1 – 2m, thích hợp để trồng làm cây cảnh trước nhà. Cây hoa có thân mềm nhưng khá cứng cáp phân thành nhiều nhánh nhỏ, trên thân cây có nhiều lông ngắn mỏng manh, mềm mại. Lá cây có màu xanh đậm, cuống rất dài, hình dáng góc cạnh, răng cưa 5 cánh, ở phần cuống lá có hình tim, lá rất to đường kính đạt đến 15cm, mặt lá nhiều gân và bên dưới có nhiều lông tơ.
Hoa phù dung có màu sắc tinh tế, đẹp mắt, bao gồm các màu như trắng, đỏ, hồng đậm, hồng nhạt, cuống hoa cũng dài như cuống lá, bông hoa rất to nở xòe to hơn chiếc bát ăn, đường kính có khi lên tới 15cm, hoa có hai loại đó là cánh kép (tức là có nhiều cánh) và cánh đơn (hoa có 5 cánh). Cánh hoa xốp, nhìn rất mềm mại và trông giống như giấy.
Điều đặc biệt của hoa phù dung đó là thời gian nở vào buổi sáng sớm, sau đó tàn dần lúc chiều tối hoặc đêm muộn, hoa sẽ đổi màu theo từng buổi. Vào buổi sáng hoa sẽ có màu trắng tinh khôi, đến trưa chuyển sang màu hồng nhạt và về đêm sẽ biến thành màu đỏ thẫm sau đó tàn dần và rơi rụng. Thời gian nở hoa thường rơi vào tháng 8 và kéo dài đến hết tháng 10 dương lịch hàng năm.
Sau khi tàn sẽ đậu quả, quả có hình cầu, bên ngoài được bao phủ một lớp lông mỏng màu vàng nhạt nhẹ nhàng, phía bên trong quả có nhiều hạt hình như quả trứng. Một điều tuyệt vời khi nhắc đến hoa phù dung nữa đó là tất cả các bộ phận trên cây hoa đều mang nhiều lợi ích tuyệt vời, vì vậy mà cứ đến mùa hè, đầu mùa thu mọi người lại hái lá, hoa, quả và rễ cây rửa sạch phơi khô dùng dần hoặc dùng khi cần thiết.
Hoa phù dung mang những ý nghĩa biểu tượng nào?
Hoa phù dung không chỉ sở hữu nét đẹp ngây thơ, dịu dàng, trong sáng mà còn mang nhiều ý nghĩa sâu sắc về tình yêu, cuộc sống và phong thủy, cụ thể:
1. Ý nghĩa của hoa phù dung trong cuộc sống và tình yêu
Hoa phù dung gắn liền với câu chuyện tình buồn ngang trái của nàng tiên nữ và chàng trai trẻ dưới hạ giới. Chính vì vậy, loài hoa này nói về tình yêu đôi lứa mặc dù có sâu đậm, thiết tha, cuồng nhiệt đến bao nhiêu thì cũng sẽ có lúc thay lòng đổi dạ, lạnh nhạt và đi đến tan vỡ, khiến con người ta buồn bã đớn đau và thậm chí phải tìm đến cái chết để giải thoát bản thân. Ngụ ý nhắc nhở mỗi chúng ta đừng nên quá hy vọng, tin tưởng quá nhiều vào một ai đó để rồi thất vọng tràn trề.
Hoa mang một nét đẹp mềm mại, nhẹ nhàng, quyến rũ nhưng vô cùng kiêu sa sang trọng, đồng thời hoa có đặc tính sớm nở tối tàn, thời gian giữ hoa chỉ tồn tại trong ngày nên hoa tượng trưng cho những điều đơn giản, ngắn ngủi. Hoa cũng là biểu tượng cho những kỷ niệm hạnh phúc, sâu sắc, đẹp đẽ trong quá khứ, nơi đó có những điều thật tốt đẹp, ý nghĩa mà ta khó đành lòng quên đi.
2. Ý nghĩa hoa phù dung trong phong thủy
Tương tự như hoa đào, hoa mai, hoa cúc mang ý nghĩa phong thủy tốt đẹp thì cây hoa phù dung cũng vậy, trồng cây trước cửa nhà sẽ giúp mang lại nhiều sự may mắn, bình an, thành công trong mọi lĩnh vực. Đồng thời hoa mang lại nguồn năng lượng tích cực, dồi dào khiến chúng ta cảm thấy tràn đầy sức sống, mang lại hiệu quả cao trong công việc.
Theo các chuyên gia nghiên cứu thì hoa phù dung vào buổi sáng có màu trắng nhưng về chiều tối lại chuyển sang các gam màu nóng như hồng, vàng, cam hoặc đỏ rực, những màu này thích hợp với những người mang mệnh Hỏa và mệnh Thổ. Vì vậy, những người mang các mệnh này nên trồng hoa trước cổng nhà để tránh được nhiều điều xui xẻo, rủi ro, mang lại nhiều vận may, tài lộc trong con đường làm ăn cũng như cuộc sống hàng ngày.
Ứng dụng của hoa phù dung trong đời sống
Hoa phù dung là loài hoa mang nét đẹp ngọt ngào hấp dẫn nên được nhiều người lựa chọn trồng, hoa mang lại nhiều công dụng tuyệt vời trong đời sống hàng ngày, chẳng hạn như trang trí làm đẹp, làm cây phong thủy, thanh lọc không khí, làm dược liệu. Dưới đây là những ứng dụng cơ bản nhất về loài hoa này, mọi người có thể tham khảo để biết rõ hơn.
1. Trang trí, làm cây phong thủy
Cây hoa phù dung sở hữu những bông hoa to, đẹp vô cùng bắt mắt, đặc biệt có khả năng đổi màu, chiều cao của cây vừa phải nên thích hợp trồng làm cây cảnh khu vực sân vườn, trước cổng nhà, ban công. Hoặc cũng có thể dùng để trang trí không gian công viên, quán cà phê, nhà hàng, khách sạn.
Không chỉ dùng để trang trí làm đẹp không gian nhà cửa mà cây hoa phù dung còn được trồng để làm cây phong thủy. Như đã nói ở trên, hoa mang nhiều gam màu nóng thích hợp với những người mang mệnh Hỏa và mệnh Thổ, khi trồng loài hoa này trong vườn nhà sẽ mang lại nhiều may mắn, thuận lợi, mọi việc hanh thông.
2. Lấy bóng mát, thanh lọc không khí
Cây hoa thường mọc thành từng bụi riêng biệt, khá cao ráo, tán lá xòe rộng, lá to nên vào mùa hè cây thường cho bóng mát tuyệt vời. Ngoài ra, còn có công dụng lọc không khí hiệu quả, chống bụi bay vào nhà giúp cho không gian luôn sạch sẽ, thoáng đãng và mát mẻ hơn. Không chỉ vậy, thời xưa nhiều người thường lấy vỏ của cây hoa phù dung để bện làm dây thừng hoặc làm giấy viết rất tốt.
3. Dùng làm dược liệu
Tất cả các bộ phận trên cây hoa phù dung đều mang nhiều lợi ích tuyệt vời đối với sức khỏe con người. Thông thường, để làm dược liệu thì khi hoa mới chỉ chớm nở sẽ được hái phơi khô; Lá thì đợi đến khi già và được hái vào mùa hè; Phần quả khi chín đến độ nhất định cũng sẽ được hái và phơi khô. Vì loài hoa này không phải lúc nào cũng có nên các bộ phận có lợi đều sẽ được phơi khô cất và dùng khi cần thiết.
Cây hoa phù dung thường được dùng để chữa một số chứng bệnh như: Trị bỏng, viêm khớp, mụn nhọt, đau mắt đỏ, ho ra máu, kinh nguyệt ra nhiều, chữa sưng vú, viêm tuyến vú, lẹo mắt, giảm đau do bị chấn thương, trị ho, đầy bụng do giun sán, chữa chín mé, giời leo, viêm âm đạo, dùng uống như trà để thanh nhiệt, giải độc, mát gan.
Hướng dẫn cách trồng cây hoa phù dung
Để trồng cây hoa phù dung chúng ta có thể chọn cách trồng trong chậu hoặc ngoài đất vườn. Giống cây thì có thể là gieo hạt, giâm cành hoặc chiết cành. Dưới đây là hướng dẫn cách trồng hoa phù dung đúng cách đơn giản tại nhà để làm cây cảnh trang trí.
- Thời gian trồng hoa: Hoa phù dung thường được trồng vào mùa xuân, vì lúc này thời tiết thường mát mẻ, độ ẩm cao, tốt nhất nên trồng vào tháng 1, tháng 2 dương lịch hàng năm.
- Chọn đất trồng: Loài hoa này thường thích hợp với đất pha cát và cần độ thoát nước cao. Nếu là đất vườn thì chọn những nơi có đất thịt, mềm mại, nhiều chất dinh dưỡng, xới tơi đất. Còn nếu trồng trong chậu thì cho đất vào khoảng 2/3 chậu rồi trộn thêm các loại tro trấu, phân xanh khô để tăng dưỡng chất cho đất.
- Cách trồng cây: Để trồng cây chúng ta có thể lựa chọn giống bằng cách giâm cành, chiết cành, gieo hạt. Trước khi gieo hạt cần ngâm nước ấm khoảng vài giờ đồng hồ, bọc trong vải màn để hạt nứt mép rồi gieo xuống đất, lấp một lớp đất mỏng lên hạt. Trường hợp giống cây được chiết hoặc giâm thì nên chọn cây to, chắc chắc, không bị sâu bệnh, đào hố, đặt nhẹ nhàng cây xuống đất và lấp đất lại.
Chăm sóc hoa phù dung đúng cách tại nhà
Sau khi trồng, chúng ta cần phải chăm sóc cây cẩn thận đúng cách thì hoa mới phát triển khỏe mạnh, không bị sâu bệnh và cho hoa đúng màu, đúng thời điểm. Khâu chăm sóc hoa cần chú ý đến các vấn đề sau: Bón phân, tưới nước, ánh sáng, tỉa cành, phòng chống sâu bệnh, cụ thể:
- Tưới nước: Sau khi gieo hạt, trồng cây cần đảm bảo đất đủ độ ẩm để nảy mầm, cây sống tốt. Mỗi ngày nên tưới nước sạch hai lần sáng tối, lưu ý nên tưới nhẹ nhàng để tránh xói mòn đất và không để ngập úng.
- Ánh sáng: Loài hoa này ưa ánh sáng, vì vậy nên trồng ở những nơi có đủ nắng, nhưng cũng không nên để cây dưới ánh nắng quá gay gắt có thể khiến cây bị chết héo và cháy lá. Nếu trồng trong chậu thì nên di chuyển đến những nơi mát mẻ, còn trồng dưới đất thì có thể che chắn bạt.
- Bón phân: Sau khi cây lớn và có đủ lá thì nên bón thúc thêm phân lân, không nên bón trực tiếp mà nên pha loãng với nước, tưới lên gốc. Khi cây cao lớn khỏe mạnh thì có thể đào rãnh sâu xung quanh gốc cây và rắc phân lên, tưới thêm nước vào và lấp đất lại.
- Tỉa cành: Khi cây ra hoa, cành lá sum suê thì nên dùng kéo sắc để cắt tỉa bớt lá, cành. Điều này vừa giúp tạo dáng đẹp cho cây, nâng cao tính thẩm mỹ đồng thời giúp cây có đủ chất dinh dưỡng để nuôi thân.
- Phòng ngừa sâu bệnh: Cây hoa phù dung thường hay mắc bệnh cháy lá, đốm lá, bị ruồi trắng, rệp và nhện Hibiscus tấn công gây hại khiến cho cây bị thấp còi, phát triển chậm. Những trường hợp này nên dùng thuốc trừ sâu để xịt loại bỏ tận gốc sâu bệnh.
Không chỉ mang một nét đẹp say đắm lòng người, mà hoa phù dung còn đem lại nhiều lợi ích trong đời sống hàng ngày, vì vậy loài hoa này được nhiều người yêu thích và lựa chọn trồng trong vườn nhà. Hoa còn mang ý nghĩa phong thủy vô cùng sâu sắc, với những ai mang mệnh Hỏa, mệnh Thủy nên chọn hoa để trang trí không gian nhà cửa nhằm đem lại may mắn, bình an và hạnh phúc.
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn