Hoa Dã Quỳ | Biểu tượng của tình yêu thủy chung, mãnh liệt
Hoa Dã Quỳ mang vẻ đẹp rực rỡ, tràn đầy sức sống là loài hoa mang biểu tượng tình yêu đôi lứa vô cùng ý nghĩa. Bạn đã biết những gì về loài hoa này? Cùng chúng tôi tham khảo bài viết dưới đây để biết thêm các thông tin về nguồn gốc, vẻ đẹp của hoa cũng như ý nghĩa của chúng.
Nguồn gốc hoa dã quỳ
Hoa dã quỳ là loài hoa sở hữu nét đẹp mộc mạc, giản dị người ta thường gọi nó bằng nhiều cái tên như hướng dương dại, quỳ dại, hướng dương Mexico, cúc quỳ, sơn quỳ hay cúc Nitobe bởi nét đẹp hoang dại của chúng. Hoa dã quỳ có tên khoa học là Tithonia diversifolia, tên tiếng anh là wild sunflower thuộc họ cúc và được phân bố rất nhiều tại các khu vực nhiệt đới và cận nhiệt đới như Châu Phi, Đông Nam Á và Trung Mỹ.
Hoa dã quỳ không phải mới đầu đã có ở Việt Nam mà nó được người Pháp mang đến trồng ở thời kỳ trước tại Lâm Đồng. Bởi vẻ đẹp của hoa và sự thích nghi với khí hậu ở Việt Nam ở một số vùng mà hoa quỳ được đem sang trồng mở rộng sang các khu vực khác cụ thể là Đà Lạt, Ba Vì, Gia Lai,… Người dân có thể đến những nơi đây để chiêm ngưỡng vẻ đẹp của hoa.
Đặc điểm hoa dã quỳ
Hoa dã quỳ là loại hoa mang vẻ đẹp hoang dã, người ta thường gọi hoa này là “ông mặt trời nhỏ mãnh liệt”. Sở dĩ có tên gọi này vì hoa có hình dáng rất giống với hoa mặt trời (hoa hướng dương) và vẻ đẹp tựa một đóa cúc nhỏ màu vàng. Hoa dã quỳ là loài hoa thân bụi lâu năm hoặc một năm tùy vào từng điều kiện thời tiết và môi trường.
Thân cây quỳ mọc thẳng, mảnh mai với nhiều cành nhỏ màu xanh đậm. Là cây thân gỗ nên quỳ có thể phát triển được với chiều cao từ 2 đến 3m. Thân cây quỳ lúc non màu xanh mơn mởn tuy nhiên khi trở về già phần thân sẽ hóa gỗ và có màu nâu xám. Các lá mọc xum xuê, chen chúc nhau thành bụi rậm rạp. Các lá cây có thể mọc đơn lẻ đôi khi mọc thành từng chùm và có màu xanh đậm. Hoa dã quỳ thuộc họ cúc chính vì thế mà đặc điểm các lá cũng có hình dáng tương tự lá của hoa cúc. Các phiến lá khá nhẵn xung quanh có các lông nhỏ và bên dưới lá là các gân nổi đặc trưng.
Các hoa và nụ dã quỳ tương tự hoa cúc vàng thường có 13 cánh. Các cánh hoa mỏng, dài có màu vàng rực rỡ, khi nở các cánh hoa sẽ bung ra hết cỡ và tạo đường kính lớn khoảng chừng 8 đến 10cm. Nhụy hoa màu vàng đậm hơn pha lẫn chút màu cam tạo nên một điểm nổi bật chính giữa. Các hoa mọc đơn lẻ hoặc từng chùm tạo nên một sắc vàng đặc trưng. Màu vàng này không phải là màu vàng sang trọng hay quý phái mà nó thể hiện một màu vàng dân dã, tựa màu nắng oi bức, chói chang.
Hoa dã quỳ thân thuộc và gần gũi là sự hòa quyện giữa vẻ đẹp của hoa hướng dương và hoa cúc tuy nhiên, người ta sẽ không nhầm lẫn khi để các loại hoa này gần nhau. Bởi, mỗi loại hoa chứa đựng một đặc điểm, một vẻ đẹp riêng không giống nhau. Hoa hướng dương và hoa cúc mang vẻ đẹp quyền quý, cao sang còn hoa dã quỳ mang vẻ đẹp hoang dại, mộc mạc nhưng cũng rất gần gũi, thân thuộc.
Hoa quỳ rất dễ sinh sống ở Việt Nam, hoa thường nở vào cuối thu – đầu đông từ tháng 10 đến tháng 1 hằng năm. Thời gian này là thời gian chuyển mùa, là dấu hiệu bắt đầu của mùa khô. Chính vì nở vào tháng 10 đến tháng 1 hằng năm nên thời điểm đẹp nhất để ngắm hoa dã quỳ là vào buổi sáng tầm khoảng từ 9 – 11 giờ và vào buổi chiều hoàng hôn khoảng từ 3 – 5 giờ của tháng 11, 12 tùy vào từng địa điểm. Chính vì thế, trước khi muốn đi ngắm dã quỳ hãy tìm hiểu thật kỹ xem địa điểm đó đã có hoa chưa để có thể ngắm một cách trọn vẹn nhất.
Truyền thuyết về hoa dã quỳ
Dã quỳ đẹp là thế nhưng nó ẩn chứa một câu chuyện tình yêu cảm động mà ít ai biết đến. Câu chuyện kể về tình yêu của chàng K’Lang và nàng H’Linh ở bộ tộc Lasiêng – vùng Tây nguyên xa xôi. Nàng H’Linh là một cô gái xinh đẹp, đảm đang yêu mến chàng K’Lang. Ngày ngày K’Lang vào rừng săn bắn, hái lượm, còn H’Linh ở nhà se sợi dệt tấm chăn kiệu chồng. Họ yêu nhau bình yên, ai làm việc nấy, đến tối về họ lại quây quần đốt lửa và múa hát cùng dân làng. Họ cứ thế ngày này qua ngày nọ.
Nhưng câu chuyện đẹp này diễn ra không được bao lâu thì chuyện xấu lại ập đến. LaRihn là con trai của người trưởng tộc cũng thầm thương trộm nhớ H’Linh nhưng không được nàng để mắt hay đáp trả chính vì thế đã đem lòng ganh ghét và oán hận K’Lang. Lúc này, trời hạn hán vạn vật đều khô héo phải, dân làng rơi vào thời gian khủng hoảng. Vì thương dân làng và cũng vì có sức khỏe cường tráng K’Lang quyết định vào rừng đi tìm nguồn nước cho buôn làng. Trước khi ra đi, chàng đã dã từ người yêu và lên đường.
Thời gian thấm thoát qua đi, nàng mãi ngồi đợi chàng bên dòng suối từ ngày này qua ngày nọ nhưng vẫn không thấy chàng quay về. Nàng nghĩ có điều không lành nên đã lên rừng tìm K’Lang. Nàng đi qua không biết bao nhiêu con suối, không biết bao nhiêu cánh rừng nhưng vẫn không tìm thấy chàng, quá mệt mỏi, nàng đã nghĩ chân và chợp mắt một tí. Trong giấc mơ, nàng gặp K’Lang, chàng báo mộng bảo nàng hãy đi thêm một con suối nữa sẽ gặp chàng.
Cô chợt tỉnh giấc và bắt đầu dậy tìm đến cuối con suối. Tại đây, cô đã chứng kiến cảnh K’Lang đang bị các người của bộ tộc Lasiêng trói chặt và dùng các mũi tên, các ngọn giáo đâm vào da thịt chàng. Mặc cho nguy hiểm xung quanh, cô tiến thẳng đến và ôm lấy chàng. Vì quá ghen tuông với tình yêu của H’Linh dành cho K’Lang, LaRihn đã bắn đi mũi tên hận tình nhưng điều hắn không ngờ đến là mũi tên đó đã bắn chết H’Linh – người mà hắn thương nhớ và K’Lang. Hai người chết trong tư thế quỳ và ôm lấy nhau không rời. Cái chết này đã chứng minh tình yêu của họ mãi không xa lìa.
Về sau, tại nơi H’Linh và K’Lang chết đã mọc lên một loài hoa dại đẹp rực rỡ. Loài hoa này chứa sinh khí mãnh liệt miêu tả cho một tình yêu chung thủy. Chính vì thế, hoa này đã được người đời đặt cho cái tên gắn với ý nghĩa câu chuyện – Hoa dã quỳ. Từ “Dã” ở đây tức là hoang dã; “Quỳ” có tức là quỳ gục xuống như tư thế chết đi của cặp đôi H’Linh và K’Lang. Chính vì thế, hoa dã quỳ mang một vẻ đẹp tượng trưng cho tình yêu chung thủy, bền vững, sư kiêu hãnh và vô cùng mạnh mẽ giống như câu truyện truyền thuyết về nàng H’Linh và chàng K’Lang.
Ý nghĩa của hoa dã quỳ
Hoa dã quỳ mọc được trên các loại đất kể cả những loại đất đá sỏi khô cằn và điều kiện môi trường khắc nghiệt. Chính vì thế nó mang ý nghĩa của sức sống mãnh liệt, của sự bền bỉ, dẻo dai. Bên cạnh đó, nó còn thể hiện một tình yêu da diết, mãnh liệt. Chỉ nhìn thôi người ta chỉ biết đến vẻ đẹp của hoa nhưng chắc hẳn không ai có thể hiểu hết được ý nghĩa sâu sắc của nó.
1. Hoa dã quỳ là biểu tượng tượng trưng cho sức sống mãnh liệt
Dã quỳ mang ý nghĩa thể hiện sức sống mãnh liệt. Loài hoa này có thể sống và thích nghi trên nhiều điều kiện môi trường khác nhau dù là thời tiết khắc nghiệt như thế nào hay môi trường, địa lợi có ra sao thì cây vẫn có thể sống bền bỉ theo cách riêng của nó. Hoa vẫn hiên ngang, tự tin vươn mình đón ánh nắng mặt trời gay gắt hay sống mãnh liệt ở xứ sở sương mù. Hình ảnh đóa hoa dã quỳ rực rỡ tự tin khoe sắc trước những điều kiện, hoàn cảnh khó khăn đã minh chứng cho sức sống mãnh liệt, là biểu tượng mạnh mẽ, khó khuất phục.
2. Hoa dã quỳ biểu tượng cho tình yêu chung thủy, bền vững và vô cùng mãnh liệt
Hoa dã quỳ là biểu tượng cho tình yêu chung thủy, son sắt. Nó gắn liền với một câu chuyện tình yêu, một truyền thuyết cảm động về tình yêu lứa đôi thời xa xưa. Tình yêu là sự hy sinh vì người mình yêu, không màng sống chết. Những đóa dã quỳ nở rộ đẹp rạng ngời trước thời tiết, sóng gió khắc nghiệt như tình yêu của H’Linh và K’Lang trước sau như một, không hề thay đổi dù sóng gió hay khó khăn như thế nào. Cây vẫn hiên ngang vươn mình bung tỏa hương thơm, sắc đẹp rực rỡ.
Dã quỳ biểu tượng cho tình yêu mạnh mẽ, bền vững. Nếu chàng trai tặng cho cô gái một đóa dã quỳ tức là mong muốn tình yêu bền đẹp. Đồng thời nó cũng có nghĩa rằng chàng trai rất trân trọng tình yêu này, không có gì có thể lung lay được tình yêu dành cho cô gái. Đây là cảm xúc từ trái tim, hy vọng sự chân thành của chàng sẽ giữ được trái tim cô gái mãi mãi.
3. Hoa dã quỳ – loài hoa của sự kiêu hãnh, thán phục
Bên cạnh ý nghĩa cho sự sống mãnh liệt, tình yêu bền vững, thủy chung, dã quỳ còn mang ý nghĩa của sự kiêu hãnh, thán phục. Hoa dã quỳ vươn mình trong điều kiện khắc nghiệt nhưng vẫn luôn đẹp, rực rỡ không bị khuất phục trước những khó khăn, điều kiện khắc nghiệt chính vì thế nó thể hiện một sự kiêu hãnh luôn kiên cường.
Tuy mang vẻ đẹp hoang dại nhưng loài hoa này được rất nhiều người yêu thích và ngưỡng mộ. Nó tự mình có thể đứng dậy, phát triển và ra hoa mà không cần phải chăm sóc quá nhiều và nó hãnh diện trước những giá trị mà mình tạo ra. Ngoài ra, dã quỳ còn mang ý nghĩa của sự yêu mến, quý trọng, tỏ ý thán phục với một ai đó. Đây là một món quà khá tinh tế để dành tặng cho người mình yêu thương hoặc ngưỡng mộ.
Công dụng của hoa dã quỳ trong cuộc sống
Hoa dã quỳ ẩn chứa vẻ đẹp vô cùng giản dị, tinh tế. Đây là loài hoa không chỉ đẹp mà còn có rất nhiều công dụng trong cuộc sống.
1. Dã quỳ trang trí cảnh quan, làm điểm du lịch tuyệt đẹp
Như đã trình bày ở trên chắc chắn bạn đã biết được vẻ đẹp của dã quỳ như thế nào. Chính vì vẻ đẹp đó mà dã quỳ được người dân trồng ở rất nhiều nơi, chúng thường xuất hiện ở sân vườn, hè phố, vườn hoa, công viên,… làm tăng thêm vẻ đẹp cho cảnh quan. Vườn dã quỳ thu hút rất nhiều du khách đến tham quan, lưu giữ hình ảnh, kỷ niệm từ đó mang lại rất nhiều giá trị kinh doanh.
Bên cạnh đó, nhiều người trồng hoa tại nhà nhằm muốn đem đến tài lộc, may mắn đến cho gia đình hoặc đơn giản chỉ là tô điểm thêm vẻ đẹp cho ngôi nhà. Song song với đó, việc trồng dã quỳ còn giúp thanh lọc không khí, làm cho bầu ko khí thêm trong lành, mát mẻ hơn.
2. Dã quỳ có tác dụng trong y học
Toàn bộ các bộ phận của dã quỳ đều có tác dụng tốt trong việc chữa bệnh, đây là nguyên liệu y học của nhiều quốc gia:
- Thân và lá dã quỳ được sử dụng để điều chế thuốc làm tan các vết máu bầm, chữa thấp khớp, giảm đau, giảm sưng, bong gân và gãy xương. Đây là bài thuốc được người Mexico sáng chế và có hiệu quả tốt khi chữa trị.
- Hoa giã quỳ làm thuốc chống ngộ độc tại Nhật Bản. Tuy nhiên, việc sử dụng hoa trực tiếp có thể sẽ gây dị ứng chính vì thế bài thuốc này cần được hướng dẫn bởi đội ngũ bác sĩ.
- Dã quỳ khô trở thành thành phần trong những đơn thuốc nhuận gan, lợi tiểu, chữa bệnh vàng da, chữa bệnh nấm, ra mồ hôi trộm ban đêm của người Trung Quốc.
- Cây dã quỳ cũng được các y bác sĩ Việt Nam nghiên cứu, làm thành phần để điều chế các loại thuốc giảm sưng tấy, chữa mẩn ngứa và viêm da dị ứng,… Dã quỳ khi phơi khô, pha nước uống giúp an thần dễ ngủ, nhuận tràng, tốt cho gan và hạn chế ra mồ hôi trộm.
Bên cạnh đó, dã quỳ còn được nghiên cứu làm thuốc trừ sâu diệt trừ sâu bệnh hiệu quả. Lá cây dã quỳ có chứa chất Sesquiterpene, Diterpenoids,… được sử dụng để bào chế thuốc trừ sâu, chỉ cần lấy lá dã quỳ giã nát, vắt lấy nước rồi phun lên vị trí có sâu hại. Đây là sản phẩm thân thiện môi trường, vừa tận dụng được nguồn dã quỳ có sẵn trong tự nhiên, vừa an toàn sức khỏe khi diệt trừ sâu bệnh.
Cách trồng và chăm sóc dã quỳ đơn giản
Hoa dã quỳ rất dễ sống, có thể thích nghi với nhiều loại đất khác nhau bao gồm các loại đất nghèo dinh dưỡng. Bạn sẽ tìm thấy loài hoa này ở các khu vực xáo trộn, đất bị bỏ hoang hoặc mọc dọc theo ven đường và đường ranh và trên đất canh tác. Tuy nhiên, để hoa có thể phát triển tốt và ra hoa đẹp nhất cần phải có cách trồng và chăm sóc. Sau đây Floli sẽ chỉ cho bạn cách trồng và chăm sóc dã quỳ đơn giản, nở hoa đẹp nhất.
1. Chuẩn bị đất trồng
Để trồng hoa dã quỳ phát triển tốt, nở hoa đẹp khi lựa chọn đất trồng bạn cần phải chú ý bạn cần phải chú ý chọn những loại đất có độ dinh dưỡng, tơi xốp như Đất cát, đất thịt và đất sét nhẹ… những loại đất thoát nước tốt nhằm tránh làm cho cây bị úng hay thối rễ.
Trường hợp đất không quá giàu dinh dưỡng, dinh dưỡng kém bạn hãy bổ sung một lượng phân hữu cơ hay phân chuồng hoại mục cho cây để cây phát triển tốt hơn, tươi xanh hơn đồng thời ra hoa đẹp hơn, nhiều hơn. Hoa dã quỳ có thể phát triển trên nhiều loại đất khác nhau tuy nhiên để cây phát triển tốt cần phải chọn đúng loại đất cũng như có cách trồng và chăm sóc cây đúng cách.
2. Phương pháp trồng cây dã quỳ
Cây dã quỳ là loại cây không khó trồng, có hai cách trồng dã quỳ, bạn có thể trồng bằng hạt hoặc bằng cách giâm cành. Dù là cách nào thì độ nảy mầm và phát triển cũng như nhau tùy vào cách chăm sóc.
Trồng dã quỳ bằng cách gieo hạt:
Với phương pháp này, bạn chỉ cần chọn ra những loại hạt chất lượng, có độ chắc, khỏe mạnh và không bị sâu bệnh.
- Đầu tiên hãy chọn vị trí gieo hạt có đầy đủ ánh nắng mặt trời để tăng tốc độ nảy mầm cho cây.
- Tiếp theo, tạo đất tơi xốp, gieo hạt đã được chọn lọc lên trên sau đó phủ lên một lớp đất mỏng.
- Tưới nước cho đất ẩm, sau đó chờ đợi cho hạt nảy mầm.
Trồng dã quỳ bằng cách giâm cành:
Phương pháp giâm cành là phương pháp đơn giản để trồng cây dã quỳ. Bạn nên chọn những cành già, chắc khỏe chỗ mà bám vào thân chính sẽ giúp cây nhanh ra lá hơn.
- Cắt chọn cành từ 10 đến 15cm sau đó cắt bỏ các lá thấp nhất để lộ nút sinh rễ.
- Sử dụng nước kích thích mọc rễ, ngâm phần rễ vào sau đó cắm cành giâm vào bầu đất ẩm đã chuẩn bị trước.
- Đặt các cành giâm ở nơi có nắng nhẹ, có bóng râm nhẹ và duy trì độ ẩm vừa phải.
- Đợi sau 2 đến 3 tuần, cành giâm sẽ ra rễ sau đó bạn có thể đem đi trồng đến vị trí nào bạn mong muốn.
3. Kỹ thuật chăm sóc dã quỳ
Kỹ thuật chăm sóc cây rất quan trọng trong việc giúp cây phát triển tốt, ra hoa đều và không có sâu bệnh. Vì thế, khi trồng dã quỳ hãy chăm sóc cây thật tốt, chú ý đến các vấn đề sau:
- Cần đảm bảo cung cấp đủ nước cho cây nhất là vào giai đoạn đầu khi bạn vừa mới trồng hoặc khi cây bắt đầu ra hoa. Tưới cây thường xuyên khi trời quá hanh khô, chỉ đảm bảo độ ẩm vừa đủ, không tưới quá nhiều dễ làm úng cây. Vào mùa mưa hãy đảm bảo rằng cây trồng tại những nơi có khả năng thoát nước tốt để cây không bị úng.
- Có thể giữ ẩm cho cây và tránh thời tiết quá hanh khô bằng cách dùng rơm hoặc lá cây phủ xung quanh gốc. Việc làm này sẽ giúp phần đất đỡ bị khô hơn, cân bằng độ ẩm đồng thời ngăn chặn được một phần nào lượng cỏ dại mọc xung quanh hút chất dinh dưỡng phần đất đó.
- Loại bỏ cỏ dại xung quanh gốc cây, phải kiểm tra thường xuyên và loại bỏ ngay có thể để giúp cây phát triển tốt hơn.
- Trong quá trình trồng, hãy cắt tỉa bớt các cành của cây, loại bỏ những cành cây khô để cây phát triển.
- Có thể bổ sung thêm phân hữu cơ hay các loại vật liệu hữu cơ hoại mục để tăng độ dinh dưỡng cho đất trong lúc vừa mới trồng hoặc chuẩn bị ra hoa.
Kết luận: Hoa dã quỳ là những bông hoa màu vàng đẹp rực rỡ, bền bỉ trước điều kiện môi trường khắc nghiệt. Đây là loài hoa dại mang nét đẹp hoang dại đơn sơ nhưng ẩn chứa nhiều ý nghĩa sâu sắc. Không chỉ thể hiện sức sống mãnh liệt mà nó còn là biểu tượng cho tình yêu thương, sự bền bỉ và sự kiêu hãnh, thán phục. Bài viết trên đây của Floli rất mong có thể giúp ích cho bạn trong việc tìm hiểu về loại hoa này cũng như có cách trồng và sử dụng làm quà tặng trong những dịp phù hợp.
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn