Hoa Gạo: Nở rộ vào tháng 3, khoe sắc rực rỡ một góc trời Việt Nam

Hoa Gạo: Nở rộ vào tháng 3, khoe sắc rực rỡ một góc trời Việt Nam

  • Thứ hai - 13/11/2023 21:42
  • Tiện ích: 
  •  
  •  
  •  

Tháng ba hoa gạo nở rồi
Chiều gom nắng nhạt anh ngồi chờ em
Lật từng kỷ niệm ra xem
Trinh nguyên còn giữ chẳng lem bụi trần
(Trích: Lời hẹn mùa hoa gạo – Thơ: Nguyên Dũ)

Khi nhắc đến hoa gạo, chúng ta sẽ nghĩ ngay đến loài hoa nở rộ vào tháng 3, khoe sắc rực rỡ tươi đẹp cả một góc trời miền quê. Hoa mang trên mình một màu đỏ rực tươi thắm, không chỉ được dùng làm hoa trang trí mà còn điểm tô và mang ý nghĩa, giá trị to lớn về mặt văn hóa cũng như tinh thần của con người Việt Nam.

Sự tích về cây hoa gạo

Chuyện kể rằng, ngày xửa ngày xưa ở một làng nọ có một chàng trai khỏe mạnh nhưng gia cảnh nghèo khó, yêu một cô gái thôn nữ trong làng vô cùng xinh đẹp. Khi cả hai người họ chuẩn bị tổ chức lễ cưới thì bất ngờ trời đổ cơn mưa lớn xối xả, gây ra lũ và cuốn trôi đi hết nhà cửa cũng như lễ vật của chàng trai nghèo.

Buồn rầu trước sự tình nên dân làng bảo chàng nên tìm cách lên trời để hỏi rõ ngọn ngành sự việc. Trước khi ra đi, đôi lứa thề nguyền biết bao điều tốt đẹp, nàng sẽ chờ chàng trở về để sống bên nhau thật hạnh phúc đến cuối đời. Ngày lên đường, chàng đã dùng một sợi vải đỏ cột lên tay cô gái thay cho lời thề chung thủy gửi trao đến nhau.

Khi lên đến cung đình, chàng đã gặp được Ngọc Hoàng và nói rằng, hiện nay dưới trần gian mưa nắng quá thất thường, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống người dân, khiến tất cả mọi người điêu đứng cực khổ, xin Ngài xem xét lại.

y nghia bieu tuong cay hoa gao 1
Cây hoa gạo đứng sừng sững đầu làng như cô gái đứng chờ người yêu

 

Ngọc Hoàng hỏi lại thiên binh thiên tướng trong triều, ai là người trông coi cai quản mưa nắng dưới hạ giới? Một vị thần trả lời đó là thần Sấm, nhưng vì thần ham chơi nên sao nhãng chuyện đại sự. Thần Sấm lại cho rằng vì công việc quá nhiều nên không thể đảm đương tốt nhiệm vụ và ngỏ ý muốn để chàng trai ở lại giúp thần Sấm làm mưa.

Thế là kể từ đó chàng trai phải ở lại làm mưa cho hạ giới, nhớ thương người yêu nên chàng rơi nước mắt. Còn về cô gái vì nhớ thương chàng nên ngày nào cũng trèo lên cây nêu cao để ngóng trông chàng. Một ngày vào tháng 3 âm lịch, Ngọc Hoàng xuống trần gian và biết được chuyện tình bi thương của hai người và cho cô gái một điều ước.

Và thế là nàng ước cây nêu đầu làng biến thành một loài cây có thân thẳng, ngọn cao chót vót và bám sâu chắc chắn vào đất để nàng có thể nhìn thấy được người yêu. Miếng vải đỏ biến thành hoa để chàng nhận ra nàng, cứ thế điều ước thành hiện thực, nàng gieo mình xuống và chết. Loài hoa đỏ thắm xinh đẹp kia tượng trưng cho tình yêu nồng thắm nhưng đau buồn của hai người họ.

Tìm hiểu về nguồn gốc cây hoa gạo

Trong kho tàng sự tích văn học Việt Nam thì cây hoa gạo được tạo thành từ mong ước của cô gái gửi đến người mình yêu, mong chàng nhìn thấy và nhận ra mình. Còn theo các chuyên gia nghiên cứu khoa học thì hoa gạo có nguồn gốc từ đất nước Ấn Độ, sau một thời gian hoa được nhân giống và trồng nhiều ở các nước như Trung Quốc, Đài Loan, Malaysia, Indonexia, Việt Nam.

y nghia bieu tuong cay hoa gao 2
Loài hoa này thường phân bố nhiều ở khu vực phía Bắc Bộ

Tại Việt Nam hoa phân bố hầu khắp cả nước, có thể mọc ở đồng bằng, miền núi. Tuy nhiên, tập trung nhiều nhất ở vùng phía bắc bao gồm các tỉnh như Hà Nội, Hà Giang, Bắc Giang, Nam Định. Cứ đến mùa hoa gạo nở lại bao trùm cả một vùng bởi sắc đỏ tươi thắm, rực rỡ.

Đặc điểm nhận biết cây hoa gạo

Cây hoa gạo là loài hoa mang tính phổ biến cao, thường mọc tập trung ở các vùng quê Việt Nam. Tên khoa học của hoa là Bombax ceiba, tên tiếng anh là Red silk cotton tree. Ngoài ra, hoa gạo còn được gọi với rất nhiều cái tên đặc sắc khác như ban chi hoa, hoa Pơ – Lang, hoa hồng miên, hoa mộc miên, hoa anh hùng thụ.

y nghia bieu tuong cay hoa gao 3
Hoa gạo có 5 cánh, màu đỏ tươi thắm, khá cứng cáp

Hoa gạo thuộc họ gạo Bombacaceae, hoa mang một số đặc điểm cơ bản như:

  • Thân cây: Hoa gạo thuộc loại cây thân gỗ dạng lớn và chắc chắn, cây cao lên đến khoảng hơn 20m, đường kính gần nửa mét. So với các loại hoa thân gỗ khác như hoa tử đinh hươnghoa phượnghoa đỗ quyênhoa hải đường thì hoa gạo thuộc vào loại thân gỗ to và cứng cáp nhất, vỏ cây gai góc, màu nâu xám, sần sùi.
  • Cành cây: Trên cây chính có rất nhiều cành cây phụ tỏa ra, tán lá rộng che phủ cả một góc trời, hoa thường được dùng để lấy bóng cây, đặc biệt là ở vùng quê vào những buổi trưa nắng các mẹ các chị thường ngồi dưới gốc cây cây gạo để nghỉ mát.
  • Lá cây: Lá thuộc dòng lá kép, có màu xanh thẫm, hình chân vịt, trên mặt lá tuy có gân nhưng không rõ, mép lá nguyên bản không có gai hay góc cạnh, đầu lá thường nhọn, dài khoảng 5 – 6cm, rộng khoảng 2 – 3cm, lá thường rụng vào mùa khô và đặc biệt là khi hoa nở lá sẽ tự động rụng hết xuống đất.
  • Hoa: Khi nhắc đến hoa gạo thì ai cũng biết hoa mang một màu đỏ rực tươi thắm, kích thước hoa khá lớn, có 5 cánh, khi nở xòe rộng và rất cứng cáp, nhọn và bóng loáng. Nhị hoa ở trong cùng, cũng có màu đỏ, đế hoa màu xanh hoặc nâu đen bao bọc bên ngoài cánh hoa. Hoa thường nở vào tháng 3 âm lịch, cuối mùa xuân, khi nở đỏ khắp cả một vùng trời.
  • Quả: Khi hoa tàn lại bắt đầu ra quả, quả thuộc dạng quả bông, có nhiều các sợi bông màu hơi xám trắng. Bên ngoài quả khi còn tươi sẽ có màu xanh, khi chín có màu nâu, quả dài tầm 9 – 10cm.

Hoa gạo mang những ý nghĩa biểu tượng nào?

Hoa gạo là loài hoa rất quen thuộc đối với mỗi con người Việt Nam, hoa không chỉ được trồng trên khắp mọi nẻo đường làng quê mà còn được đi vào thơ ca, âm nhạc. Khi hoa nở cũng là lúc báo hiệu mùa hè sắp đến, tô điểm tươi thắm cho cả một góc trời. Hoa gạo còn mang nhiều ý nghĩa biểu tượng sâu sắc về tình yêu, cuộc sống như:

1. Tượng trưng cho tình yêu thủy chung, son sắt

Qua sự tích cây hoa gạo nói về tình yêu sâu đậm của chàng trai và cô gái thì loài hoa này luôn tượng trưng cho một tình yêu son sắt, chung thủy. Dù xa cách vạn dặm không biết bao giờ mới được gặp lại nhưng họ vẫn hướng về nhau, giành cho nhau những tình cảm thắm thiết, mặn nồng của tình yêu đôi lứa.

y nghia bieu tuong cay hoa gao 5
Hoa gạo tượng trưng cho sự chung thủy, sắt son của tình yêu đôi lứa

2. Hoa mang vẻ đẹp giản dị, mộc mạc của làng quê

Hoa gạo thường sống và phân bố nhiều ở phía Bắc nước ta, đặc biệt là vùng Bắc Bộ. Hoa gắn liền với hình ảnh những làng quê thân thuộc, bình dị và cũng là tuổi thơ của biết bao người con nơi đây. Sau này khi lớn lên xa quê mỗi lần nhớ về quê hương họ không thể nào quên đi được hình ảnh cây hoa gạo nở rộ một màu đỏ rực nơi đầu làng.

y nghia bieu tuong cay hoa gao 6
Hoa gạo mang một nét đẹp mộc mạc, giản dị như chính con người nơi làng quê

Đặc biệt, mỗi trưa hè đầy nắng các chị, các mẹ thường đi làm về sẽ tập trung dưới bóng cây hoa gạo để nghỉ mát, đùa vui và trò chuyện. Một hình ảnh làng quê Việt Nam thật bình dị, mộc mạc với cây hoa gạo, đồng lúa bát ngát mênh mông, con trâu, lũy tre làng thật sự khiến bao người bồi hồi xao xuyến.

3. Biểu tượng của sự may mắn, tốt lành

Cây hoa gạo không chỉ là một phần tuổi thơ của bao nhiêu người, mà loài hoa này thường mang ý nghĩa phong thủy sâu sắc. Với thân hình to lớn đứng ngay đầu làng cùng sắc đỏ tươi thắm tượng trưng cho sự may mắn, bình an và hạnh phúc đến với mọi người.

y nghia bieu tuong cay hoa gao 4
Hoa gạo mang sắc đỏ tươi thắm nên tượng trưng cho sự may mắn, bình an

Hoa còn giúp xua đuổi những điều xui xẻo, đen đủi, quỷ dữ, hồn ma, trấn an làng xóm, mang lại bình yên cho mọi nhà. Cây hoa gạo mang ý nghĩa vô cùng sâu sắc đối với văn hóa người dân Việt Nam, vì vậy hoa thường được mọi người tôn trọng, nâng niu và không bao giờ có những hành động xấu đối với hoa như chặt cây, đốn cành, nhưng vẫn có thể bẻ hoa về chưng tại nhà.

Công dụng thực tế của hoa gạo

Hoa gạo, loài hoa nở rộ vào tháng 3, khoe sắc rực rỡ một góc trời, hoa không chỉ tô điểm cho hình ảnh làng quê Việt Nam thêm phần đặc sắc, mà còn là biểu tượng văn hóa mộc mạc, bình dị nhưng lại vô cùng ý nghĩa. Hoa còn mang nhiều công dụng tuyệt vời như làm bóng mát, chữa bệnh, làm thực phẩm, làm sợi bông, cụ thể:

y nghia bieu tuong cay hoa gao 7
Quả cây gạo có nhiều bông được dùng để chế tạo ra các loại vật dụng phục vụ đời sống hàng ngày
  • Màu sắc hoa tươi thắm rực rỡ nên thường được dùng trang trí làm đẹp, một bình hoa gạo sẽ mang đến cho bạn một không gian ấm áp, nổi bật và không kém phần sang trọng.
  • Hoa thường cao lớn, khỏe mạnh, tán lá phát triển rộng, tỏa ra bao trùm cả một góc trời, cho bóng mát tốt nên được người dân sử dụng để nghỉ ngơi vào những lúc trưa nắng, làm đồng mệt mỏi.
  • Trong phong thủy hoa mang ý nghĩa đuổi tà ma, quỷ giữ, mang lại hạnh phúc, bình yên cho mọi người, mọi nhà. Hoa luôn thể hiện sự trang trọng, lịch sự nên còn được trồng nhiều ở các đền chùa, đình làng.
  • Quả của cây hoa gạo thường có những sợi bông mềm nhẹ nên được sử dụng để làm bông gòn trong ngành công nghiệp sản xuất bông như vỏ chăn, vỏ gối nhằm phục vụ đời sống hàng ngày của chúng ta.
  • Hoa gạo không chứa độc tính mà ngược lại rất tốt cho sức khỏe con người nên được dùng để chế biến các món ăn ngon miệng, độc lạ như hoa gạo xào thịt trâu, hoa gạo xào thịt bò, sườn dê hầm thảo mộc.
  • Ngoài chế biến thức ăn thì các bộ phận trên cây hoa gạo như rễ, vỏ, hoa có đặc tính mát, vị ngọt, có khả năng giải độc, thanh nhiệt cơ thể nên được dùng để chữa một số chứng bệnh như kiết lị, rong kinh, da vàng vọt xanh xao, tiêu chảy, bệnh trá tràng, viêm loét dạ dày, trị chứng thiếu máu.
  • Vỏ cây hoa gạo thường rất dai và chắc chắn nên được dùng để bện làm dây thừng, phần hoa được chế tạo thành các chất đuổi côn trùng, nhựa cây mềm dẻo dùng để làm chất hàn lỗ hổng soong, nồi.

Hướng dẫn cách trồng và chăm sóc cây hoa gạo

Hoa gạo là loài hoa thuộc cây thân gỗ lâu năm, thường mất nhiều thời gian mới cho hoa. Tuy nhiên, cây lại có khả năng sống và phát triển mạnh mẽ, không cần mất quá nhiều thời gian và công sức chăm bón. Vì vậy chúng ta có thể trồng hoa tại nhà để trang trí không gian hoặc lấy bóng mát.

y nghia bieu tuong cay hoa gao 9
Cây hoa gạo thường được trồng thành hàng để trang trí làm đẹp không gian đường sá, làng quê
  • Thời điểm: Hoa gạo thường nở hoa vào cuối xuân, lúc hoa gạo nở là thời điểm mùa hè sắp đến. Ở miền bắc người ta thường trồng hoa gạo vào đầu mùa xuân, còn ở miền nam trồng vào đầu mùa mưa.
  • Chọn giống: Hoa có thể trồng bằng cách gieo hạt, giâm cành và trồng từ cây giống có sẵn, nhưng tốt nhất chúng ta nên trồng cây con hoặc giâm cành để cây đảm bảo cây sống tốt. Nếu giâm cành thì trước khi trồng cần nhúng qua thuốc kích rễ.
  • Chuẩn bị đất: Trừ hoa xương rồng có thể sống trên đất khô cằn sỏi đá thì hầu hết các loại hoa đều cần nhiều chất dinh dưỡng. Bạn có thể trộn thêm các loại phân lân hữu cơ trước khi trồng để cây có đủ dưỡng chất nuôi thân, đồng thời cần đảm bảo đất thoáng khí, thoát nước tốt, chống ngập úng.
  • Cách trồng: Sau khi chuẩn bị đất, chúng ta đào hố vừa phải thích hợp với chiều cao của cây giống. Đặt cây xuống, lấp đất nhẹ nhàng vào gốc và nén chặt. Cách trồng tương tự với giâm cành, còn nếu rải hạt giống thì nên ngâm qua nước ấm, ủ giống nứt mép rồi rải lên bề mặt, lấp một lớp đất mỏng.
  • Tưới nước: Sau khi trồng cây hoặc gieo hạt chúng ta cần cung cấp đủ nước cho cây không bị khô héo. Tuy nhiên, lưu ý khi tưới nên tưới nhẹ nhàng để tránh gây xói mòn đất và tưới vừa đủ để không bị ngập úng.
  • Ánh sáng, phân bón: Là loài cây ưa sáng nên cần trồng hoa ở những nơi có đủ ánh sáng chiếu vào để cây quang hợp. Khi cây bén rễ chắc chắn chúng ta nên bón phân cho cây, nên pha loãng để tưới, không nên bón trực tiếp chất dinh dưỡng sẽ lâu hòa tan vào đất.

Hoa gạo được xem là một phần tuổi thơ của biết bao con người nơi làng quê bình dị, hoa mang trong mình một màu đỏ tươi thắm rực rỡ tạo cho không gian luôn đẹp đẽ, ấm áp tình người. Hoa còn mang ý nghĩa biểu tượng của sự chung thủy son sắt, may mắn, hạnh phúc tốt lành, hoa đi vào thơ ca, lời hát, là món quà tinh thần của biết bao thế hệ chúng ta.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Messenger
Zalo
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây