Ý nghĩa Hoa Cát Đằng | Biểu tượng của lòng vị tha trong tình yêu
Hoa cát đằng là một loài hoa đẹp, có thân leo. Cây ra hoa quanh năm và toả bóng mát rượi. Không chỉ đẹp, khi nhắc đến loài hoa này, người ta sẽ liên tưởng ngay đến một câu chuyện tình yêu đầy bi kịch, nhắc nhở mọi người phải có lòng vị tha để giữ cho cuộc tình lâu bền. Trong bài viết hôm nay, hãy cùng chúng tôi tìm hiểu chi tiết về đặc điểm, nguồn gốc, ý nghĩa,… để hiểu hơn về loài hoa cát đằng.
Nguồn gốc của hoa cát đằng
Cây hoa cát đằng được dân gian gọi với nhiều tên gọi khác nhau. Ví dụ như: dây cát đằng, cây bông xanh, dây bông báo,… Loài cây này có tên khoa học là Thunbergia grandiflora. Tên tiếng Anh của nó là Sky flower hoặc Blue trumpet vine.
Cây cát đằng có nguồn gốc xuất xứ từ Ấn Độ. Sau đó, được trồng phổ biến ở các nước Đông Nam Á, bao gồm cả Việt Nam. Cây thuộc họ Ô rô – Acanthaceae, là loài cây thân gỗ, dạng dây leo. Cây phát triển nhanh, có tán lá rộng nên thường được trồng để trang trí cảnh quan và tạo bóng mát.
Đặc điểm của cây cát đằng
Như đã thông tin, cát đằng là một loài cây leo, thân gỗ. Cây có khả năng sinh trưởng và phát triển nhanh chóng, mọc ra nhiều cành. Những nhánh cây mọc dài, buông rủ xuống đất. Là loài cây sống lâu năm nên cát đằng có thể đạt tới chiều cao lên đến 20m.
Lá của cây cát đằng sở hữu kích thước lớn, dày và có nhiều đường gân. Lá cây có màu xanh đậm, đầy sức sống. Hình dạng của lá cát đằng có hình giống trái tim. Phần mép lá hình răng cưa, thuôn nhọn về phần ngọn.
Lá của cây cát đằng là lá đơn, mọc ra từ cuống dài và đối xứng nhau. Nhìn tổng thể, lá cây có hình đa giác, hơi giống lá mướp. Mặt trước và mặt sau của lá có lông tơ màu trắng, đường gân lá nổi khá rõ.
Hoa cát đằng khi nở có dạng ống, nhìn giống hoa loa kèn. Các cánh hoa mềm mịn, liên kết với nhau tạo thành một bông hoa hoàn chỉnh. Mỗi bông hoa thường có từ 5 – 6 cánh, cánh hoa có màu tím xanh rất là ấn tượng và nổi bật.
Phần đài hoa có màu trắng, nhị hoa màu vàng. Các bông hoa nở liên tiếp trên thân dây leo, kết thành chuỗi buông dài rất lãng mạn. Hoa thường nở vào buổi sáng sớm và khép mình khi màn đêm buông xuống.
Được biết, hoa cát đằng có thể nở quanh năm. Tuy nhiên, thời điểm ra hoa nhiều nhất khoảng từ tháng 5 đến tháng 11. Sau khi hoa tàn, cây sẽ kết quả. Qủa của cây cát đằng có phần chóp hơi nhọn. Bề mặt quả khá nhẵn, có màu nâu đậm đặc trưng. Bên ngoài quả có màng bao bọc dạng lưới, quả ăn được.
Thông thường, cây cát đằng có chiều cao trung bình từ 4 – 10m. Nếu được chăm sóc và nuôi trồng trong điều kiện tốt, cây có thể phát triển lên đến 15 – 20m. Thân cây mọc dài, thường leo trên tường, hàng rào, cổng,… dùng để làm cây cảnh, lấy bóng mát.
Sự tích của hoa cát đằng
Ít ai biết rằng, đằng sau vẻ đẹp của hoa cát đằng, ẩn chứa một sự thật bi thương về tình yêu của 3 nhân vật, bao gồm: Cát Đằng, Tùng và Đa. Câu chuyện như sau:
Cát Đằng là một cô nàng xinh đẹp, hiện thân của hoa cỏ, có hương thơm nhẹ nhàng của núi rừng. Tùng là một chàng trai cao lớn, đại diện cho sức mạnh của thiên nhiên và sự hoang dã.
Tùng và Cát Đằng lớn lên cùng nhau và chẳng hay từ bao giờ, cả hai đã đem lòng yêu mến nhau. Tình cảm của cả hai kéo dài theo năm tháng cho đến khi Cát Đằng gặp Đa.
Đa cũng là một chàng trai khỏe mạnh và phóng khoáng, khiến Cát Đằng cảm thấy bị thu hút và chinh phục. Sau một thời gian, nàng Cát Đằng đã từ bỏ tình yêu thời thơ bé với Tùng, để đến với Đa và đồng ý lấy Đa làm chồng.
Thế nhưng sau một thời gian ở bên chồng, Cát Đằng nhận ra mình vẫn còn thương nhớ người cũ. Vì đó mà cô ngày càng trở nên buồn bã và héo mòn vì nhớ Tùng.
Về phía Tùng, sau khi thấy Cát Đằng lấy chồng, chàng đã quá đau buồn nên chuyển đến một nơi khác xa xôi để sinh sống. Lúc này, Cát Đằng ngày càng suy nhược vì nhớ thương Tùng. Thương vợ, Đa quyết định đi tìm Tùng để hàn gắn cho vợ và Tùng.
Trên đường đi, không may Đa bị tai nạn suýt chết, nhưng may mắn lại được Tùng cứu giúp. Nhưng vì cứu Đa mà Tùng mất mạng. Biết tin, Cát Đằng quá đau lòng nên đã qua đời không lâu sau đó.
Sau khi chết, nàng hóa thân thành cây leo, gửi vào vách đá để tìm người mình thương. Thân cây leo tuy mảnh mai, yếu đuối nhưng lại nở ra những bông hoa vô cùng xinh đẹp. Và sau này người ta gọi là hoa cát đằng.
Đằng sau một câu chuyện buồn, bi thương về tình cảm đôi lứa, lại hàm chứa tính nhân văn sâu sắc. Biểu thị cho lòng vị tha trong tình yêu, càng làm nổi bật hơn ý nghĩa của hoa cát đằng.
Ý nghĩa của hoa cát đằng
Từ sự tích về hoa cát đằng, có thể thấy đây là loài hoa tượng trưng cho một chuyện tình buồn, đầy bi kịch. Từ đó, nhắc nhở chúng ta về lòng vị tha, cũng như sự hi sinh trong tình yêu, để mang đến người mình thương sự hạnh phúc.
Lòng vị tha trong tình yêu là một trong những đức tính tốt đẹp nhất của con người. Nó được thể hiện bằng cách bạn luôn quan tâm về nghĩ đến lợi ích của những người xung quanh, đặc biệt là người mà mình yêu quý. Thậm chí, hy sinh bản thân để đem lại niềm vui, hạnh phúc cho người mình yêu.
Bên cạnh đó, màu sắc của hoa cát đằng cũng hàm chứa nhiều ý nghĩa đặc biệt. Trong đó, màu tím tượng trưng cho sự chung thuỷ, giàu sang và quyền quý. Màu xanh là biểu tượng của hoà bình, sự thanh thản trong tâm hồn và cuộc sống. Sự kết hợp của hai màu sắc này tạo nên một bông hoa cát đằng có màu sắc tuyệt đẹp, được nhiều người yêu thích.
Công dụng của cây cát đằng
Hoa cát đằng là một trong những loài hoa đẹp, được nhiều người trồng với mục đích tạo cảnh quanh, lấy bóng mát, chữa bệnh,… Dưới đây là thông tin cụ thể về công dụng của loài hoa này:
Tạo cảnh quan:
- Cây hoa cát đằng có sức sống bền bỉ, thân cây dẻo dai, rất mềm mại. Cây có thể mọc leo trên hàng rào, tường, cửa, vòm cổng,… tạo cảnh quan cho khuôn viên nhà cửa, sân vườn. Không những thế, hoa cát đằng còn có mùi hương dịu nhẹ, vô cùng lãng mạn. Chính vì thế mà rất nhiều người yêu thích loài hoa này và trồng để trang trí cho không gian nhà mình.
- Hoa cát đằng có hình trụ, khá giống hoa loa kèn. Khi nở, cánh hoa bung đều như những cánh bướm đang bay trên bầu trời vô cùng ấn tượng. Đồng thời, lá cây thường xanh tạo nên một quang cảnh xanh mát. Điểm thêm những bông hoa xanh tím nhẹ nhàng cực kỳ lãng mạn và tuyệt đẹp.
Tạo bóng mát:
- Không chỉ tạo cảnh quan cho khuôn viên nhà cửa, cây cát đằng còn được trồng với mục đích tạo bóng mát. Lá cây có đặc điểm to và dày. Bên cạnh đó, tán lá rộng, bản to, mọc đều và liên tiếp nhau. Khi trồng cát đằng sẽ tạo nên một khoảng vườn vô cùng mát mẻ, giúp che nắng rất tốt.
- Hiện nay, người ta thường trồng cây cát đằng để tạo vòm. Hoặc bắt giàn để cây leo lên, giúp che đi những khoảng nắng trong sân nhà, những khu vui chơi, công viên có nhiều khoảng trống nhưng không có mái che nắng.
Chữa bệnh:
- Một công dụng đặc biệt của hoa cát đằng được rất nhiều người quan tâm, đó là khả năng chữa bệnh. Trong dân gian, loài cây này thường được dùng để chữa bỏng, điều trị các vết thương hở, khử độc và giảm sốt.
- Ở Malaysia, người ta nghiền lá cát đằng. Sau đó, chắt hết nước cốt để lấy bã, đắp vào các vết thương hở, vết đứt tay, vết bỏng,… giúp làm lành vết thương cực tốt. Hoặc cũng có thể đắp lá vào tai để chữa các bệnh liên quan đến tai cho người bị điếc.
- Ở Thái Lan, hoa và dây của cây cát đằng được người dân sử dụng và chế biến thành một loại chè thanh mát, gọi là chè jeud. Loại chè này có công dụng khử độc tố, giảm tỷ lệ ngộ độc do rượu, bia, thuốc lá, ma tuý,…
Cách trồng và chăm sóc hoa
Cây hoa cát đằng là một loài cây thân leo, có khả năng phát triển cực tốt. Cây có sức sống bền bỉ, sinh trưởng nhanh chóng. Cách trồng và chăm sóc hoa rất đơn giản. Để có được giàn cát đằng tươi tốt, người trồng cần chú ý một số vấn đề cơ bản sau đây:
- Ánh sáng: Cát đằng là một loài cây ưa sáng. Do đó, nếu được trồng ở những nơi thông thoáng, có nhiều ánh sáng, cây sẽ phát triển nhanh chóng, cho hoa đều và đẹp. Bên cạnh đó, cây hoa cát đằng còn có thể chịu được nắng nóng hoặc một phần bóng râm. Cây sinh trưởng thuận lợi trong điều kiện có bóng râm vào mùa hè.
- Nhiệt độ: Cây hoa cát đằng là loài cây ưa nhiệt, thích hợp trồng ở những vùng có khí hậu nhiệt đới. Cây có thể chịu được nhiệt độ cao, nhưng khả năng chịu hạn khá kém. Do đó, cần thường xuyên tưới nước để cây mới có thể sinh trưởng và phát triển bình thường. Vào mùa đông, cát đằng thường rụng hết lá và lụi dần. Đến đầu mùa xuân, cây sẽ mọc mầm và ra lá trở lại.
- Đất trồng: Là loài cây có sức sống mãnh liệt, nên cát đằng không quá kén chọn đất trồng. Cây có thể sống trên những vùng đất khô cằn, sỏi đá. Tuy nhiên, tốc độ phát triển của cây sẽ chậm hơn. Nếu được trồng trong điều kiện tốt, đất đai phì nhiêu, màu mỡ, cây cát đằng sẽ sinh trưởng cực kỳ nhanh chóng.
- Phân bón: Dây, lá và hoa cát đằng phát triển khá nhanh. Lá cây to, ra nhiều hoa và nhánh, nên cần nhiều chất dinh dưỡng nên nuôi cây. Do đó, khi trồng cát đằng, chúng ta cần bón phân để cây phát triển tốt. Nên bón các loại phân hữu cơ, vô cơ, phân vi sinh, vi lượng,… để đảm bảo tốc độ sinh trưởng và ra hoa. Thông thường, cứ mỗi tháng một lần, người trồng nên bón phân để cây sinh trường đồng đều, cho hoa tươi và đẹp.
- Tưới nước: Cây hoa cát đằng có khả năng chịu hạn và chịu lụt khá kém. Vì vậy, cần tưới nước vừa đủ để bổ sung độ ẩm cho cây, tránh để cây bị khô héo hoặc úng rễ mà chết. Vào mùa hè có thời tiết khô nóng, nên tưới nước từ 1 – 2 lần/tuần, mỗi lần tưới khoảng 1 lít nước. Vào mùa mưa, người trồng không cần tưới nước để tránh bị ngập úng.
Hoa cát đằng là loài hoa mang ý nghĩa về lòng vị tha cao cả trong tình yêu nam nữ. Hoa mang trong mình vẻ đẹp giản dị nhưng vô cùng quyến rũ với màu sắc xanh tím nổi bật. Hiện nay, cây hoa cát đằng được trồng khá phổ biến để tạo cảnh quan, lấy bóng mát, trang trí khuôn viên sân vườn,…
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn