Hoa cẩm chướng đỏ: Ý nghĩa và những dịp nên chọn tặng
Hoa cẩm chướng đỏ (hoa phăng đỏ) sở hữu màu sắc rực rỡ và nổi bật, được rất nhiều người ưa thích. Loài hoa này mang ý nghĩa về một tình yêu sâu đậm, cũng như sự tôn trọng và ngưỡng mộ một ai đó. Trong bài viết dưới đây, hãy cùng Floli đi tìm hiểu chi tiết về đặc điểm, công dụng, cách trồng hoa cẩm chướng đỏ,…
Giới thiệu sơ lược về hoa cẩm chướng đỏ
Hoa cẩm chướng đỏ có tên khoa học là Dianthus caryophyllus và thuộc chi Dianthus. Đây là loài hoa bản địa của các vùng Địa Trung Hải, nhưng hiện nay được trồng rộng rãi trên khắp thế giới.
Theo lịch sử, hoa cẩm chướng đỏ đã được trồng từ hàng trăm năm trước ở Trung Quốc một số nước châu u. Nó trở nên phổ biến vào thế kỷ 16 tại Anh và sau đó lan rộng sang toàn châu Âu và châu Mỹ.
Hoa cẩm chướng đỏ có màu sắc rực rỡ, hương thơm dễ chịu và được sử dụng trong nhiều mục đích khác nhau, từ trang trí nội thất, làm quà tặng cho đến chăm sóc sức khỏe. Ngoài ra, loài hoa này cũng có ý nghĩa tượng trưng cho sự trung thành, tình yêu sâu đậm, sự cảm thông và lòng thành kính.
Đặc điểm hình thái của hoa cẩm chướng đỏ
Tương tự như các mẫu hoa cẩm chướng hiện nay, cẩm chứng đỏ cũng sở hữu một số đặc điểm hình thái nổi bật như
- Hoa cẩm chướng đỏ sở hữu gam màu đỏ đặc trưng, vô cùng nổi bật và rực rỡ.
- Hoa cẩm chướng có hình dáng đẹp với một lớp hoa đồng tâm được bao quanh bởi những cánh hoa mỏng manh và mềm mịn.
- Cánh hoa được chia làm 2 loại, bao gồm: cánh đơn và cánh kép. Phần rìa của cánh hoa có hình dạng lượn sóng rất uyển chuyển.
- Cây hoa cẩm chướng thuộc loại cây thân cỏ. Trong điều kiện thuận lợi, loài cây này có thể phát triển tới chiều cao lên đến 80 cm.
- Là loài cây ưa sáng nên hoa phăng đỏ thích hợp trồng ở những nơi có nhiều ánh sáng tự nhiên.
- Trong giai đoạn bung nụ, bông cẩm chướng có đường kính từ 2 – 2,5 cm. Khi hoa nở rộ, đường kính tối đa của bông hoa có thể đạt tới 8 cm (tuỳ vào loại hoa).
- Mùa hoa bắt đầu từ tháng 5 và kết thúc vào khoảng tháng 10. Nhiệt độ thích hợp cho loài cây này phát triển trung bình từ 12 – 20 độ C.
- Thời điểm nở hoa thường rơi vào mùa xuân hoặc mùa hè và kéo dài đến mùa thu.
- Rễ của cây hoa cẩm chướng đỏ là loại rễ chùm, có khả năng hút nước và chất dinh dưỡng trong đất để nuôi cây.
- Chiều dài của rễ cây trung bình từ 15 – 20 cm. Cây hoa có nhiều rễ phụ, mọc ra từ đốt thân.
- Cây hoa cẩm chướng là loài cây thân thảo, hình trụ. Thân cây có kích thước nhỏ, rất mảnh mai.
- Trên thân cây có nhiều đốt và dễ gãy ở phần đốt nếu bị ngoại lực tác động.
- Lá của cây hoa cẩm chướng đỏ là loại lá kép, mọc ra từ đốt thân. Lá cây có màu xanh đặc trưng do sắc tố của diệp lục.
- Lá cây có hình mũi mác, mọc đối diện nhau thông qua đốt thân. Phiến lá khá dày và phần mép lá trơn.
- Bề mặt của lá khá nhẵn, nhưng không trơn bóng. Bên trên bề mặt lá cây có một lớp phấn mịn màu trắng, có công dụng giảm tình trạng thoát hơi nước.
- Hạt của cây hoa cẩm chướng có kích thước nhỏ. Hạt nằm trong quả và mỗi quả có từ 100 – 600 hạt.
Ý nghĩa đặc trưng của hoa cẩm chướng đỏ
Hoa cẩm chướng đỏ được rất nhiều người yêu thích bởi những ý nghĩa tốt đẹp mà chúng đang sở hữu. Dưới đây là thông tin chi tiết về thông điệp mà loài hoa này muốn truyền tải:
1. Ý nghĩa của hoa cẩm chướng đỏ trong cuộc sống
Trong cuộc sống, hoa cẩm chướng đỏ tượng trưng cho sự may mắn và hạnh phúc. Với màu đỏ rực rỡ, loài hoa này rất được ưa chuộng để tặng cho những người thân yêu, vào các dịp quan trọng như: sinh nhật, lễ kỷ niệm, ngày của mẹ,… Bên cạnh đó, người ta còn trưng bày hoa cẩm chướng trong nhà, để thu hút vượng khí, đem đến tài lộc cho gia đình.
2. Ý nghĩa của hoa cẩm chướng đỏ trong tình yêu
Ở khía cạnh tình yêu, hoa cẩm chướng đỏ được xem là biểu tượng của tình yêu nồng thắm và mãnh liệt. Loài hoa này thể hiện tình cảm chân thành với đối phương và thường được tặng trong dịp valentine, lễ kỷ niệm, ngày tỏ tình,… Không những thế, cẩm chướng đỏ còn bày tỏ tình yêu sục sôi và sự nhiệt huyết của tuổi trẻ. Với những ý nghĩa thiết thực và tốt đẹp, hoa cẩm chướng được rất nhiều người yêu thích và dùng làm quà tặng cho người yêu.
3. Ý nghĩa của hoa cẩm chướng đỏ trong ngày Tết
Hoa cẩm chướng đỏ là một trong những loài hoa rất được ưa chuộng để trưng bày vào những ngày Tết. Loài hoa này sở hữu sắc vóc nổi bật, quyến rũ, giúp tô điểm cho không gian sống của bạn trở nên rực rỡ và tươi đẹp. Không những thế, với ý nghĩa về sự may mắn, hoa cẩm chướng còn được sử dụng với mong muốn đem đến sự bình an, hạnh phúc và vạn sự thuận lợi trong năm mới.
4. Ý nghĩa của hoa cẩm chướng đỏ trong tình bạn
Một bó hoa cẩm chướng màu đỏ tươi đẹp là một trong những gợi ý lý tưởng khi mua hoa chúc mừng thành công, tốt nghiệp cho bạn bè, đồng nghiệp, chiến hữu,… Loài hoa này truyền tải thông điệp về tình bạn chân thành, không vụ lợi hay toan tính. Do đó, chúng được rất nhiều người yêu thích và lựa chọn để làm quà tặng.
Công dụng hữu ích của hoa cẩm chướng đỏ
Với màu đỏ chủ đạo vô cùng tươi đẹp, hoa cẩm chướng thường được sử dụng với mục đích trang trí. Bên cạnh đó, các thành phần có trong loài hoa này còn được dùng với những công dụng sau đây:
1. Trang trí
Như đã đề cập, hoa cẩm chướng màu đỏ sở hữu vẻ đẹp nổi bật, nên thường được dùng để trang trí nhà cửa và các buổi tiệc tùng. Loài hoa này thường được trưng bày trong nhà hoặc không gian tổ chức tiệc. Giúp cho khung cảnh xung quanh trở nên tươi đẹp và sang trọng hơn bao giờ hết.
2. Điều trị bệnh
Trong Đông y, hoa cẩm chướng đỏ thường được dùng với mục đích điều trị bệnh. Theo đó, đây là một loài cây thảo dược, có vị đắng đặc trưng. Các bộ phận của cây hoa có khả năng điều trị một số bệnh lý như: tiểu buốt, tắc ruột, đi tiểu ra máu, thông kinh, hoạt huyết,… Tuy nhiên, chúng ta cần tránh sử dụng hoa cẩm chướng trong các bài thuốc dân gian cho bà bầu, để không gây hại hoặc làm ảnh hưởng đến thai nhi.
3. Pha trà
Hiện nay, người ta thường phơi khô hoa cẩm chướng để làm trà. Uống trà hoa cẩm chướng mỗi ngày mang đến nhiều lợi ích cho sức khoẻ. Ví dụ có thể kể đến như: thanh nhiệt, giải độc gan, điều hoà kinh nguyệt,… Bên cạnh đó, trà hoa còn có tác dụng với da, giúp làn da của bạn trở nên mịn màng và tươi sáng. Đối với những người cao tuổi, uống trà hoa cẩm chướng còn giúp lợi tiểu, tinh thần trở nên minh mẫn và cảm thấy cơ thể thoải mái, thư giãn.
4. Làm quà tặng
Hoa cẩm chướng đỏ mang trong mình ý nghĩa về sự may mắn, bình an và tài lộc. Với khả năng truyền tải nhiều thông điệp tốt đẹp, loài hoa này thường được dùng để làm quà tặng cho người thân, bạn bè vào các dịp lễ tết quan trọng. Không những thế, hoa còn bày tỏ tình cảm chân thành và mãnh liệt, nên rất được ưa chuộng làm quà tặng cho người yêu nhân ngày sinh nhật, valentine, ngày tỏ tình, lễ kỷ niệm,…
5. Hoa cô dâu
Không chỉ được dùng để trang trí tiệc cưới, hoa cẩm chướng màu đỏ còn được sử dụng để làm hoa cầm tay cho cô dâu. Trong nền văn hoá của đất nước Trung Quốc và Nhật Bản, loài hoa này mang ý nghĩa về tình yêu sâu đậm, vượt qua mọi thử thách, trở ngại về thời gian và không gian, để đi đến bến bờ hạnh phúc.
Kỹ thuật trồng và chăm sóc hoa cẩm chướng
Dưới đây, Floli sẽ hướng dẫn các bạn cách trồng và chăm sóc hoa cẩm chướng đỏ đúng kỹ thuật:
Chuẩn bị đất:
- Đất trồng hoa nên là loại đất tơi xốp, nhiều mùn, có khả năng thoát nước tốt. Khi trong hoa cẩm chướng, nên trồng luân canh 2 – 3 năm/vụ để không làm hại đất.
- Xử lý đất trước khi trồng bằng cách cày sâu từ 40 – 50 cm. Đồng thời, khử trùng đất bằng ethoprophos 10% (20 – 30 kg Mocap hạt/ ha).
- Khử trùng các loại vi khuẩn có trong đất bằng calcium hypochlorite (30kg/ha).
- Tiến hành vun hoặc lên luống đất. Bề rộng của luống tối tiểu 1.2m và được san phẳng bề mặt. Đồng thời, tưới ẩm đất luống trước khi trồng.
Cây giống:
- Lựa chọn các cây giống non khoẻ mạnh để đảm bảo sức sống và khả năng phát triển tốt.
- Nếu trồng bằng hạt giống, các bạn nên chọn các hạt giống chất lượng. Hoặc mua hạt giống từ các vườn ươm uy tín để đảm bảo khả năng nảy mầm.
- Với phương pháp trồng bằng cây con, nên tách vườn khi cây có độ tuổi từ 25 – 35 ngày.
- Lựa chọn cây đã có từ 6 – 8 lá thật, chiều cao từ 3,5 – 7 cm và đường kính rễ trung bình từ 1,5 – 2 mm.
- Lựa chọn cây con khoẻ mạnh, không có dấu hiệu sâu bệnh và không bị dị tật, dị hình.
- Mật độ trồng cây trung bình từ 200.000 – 220.000 cây/ha là phù hợp nhất.
Tưới nước:
- Sau khi trồng cây, nên tưới nước 2 lần/ ngày. Thời điểm tưới nước thích hợp vào buổi sáng sớm và chiều tối sẽ không ảnh hưởng đến cây và giúp cây nhanh bén rễ.
- Sau 10 ngày, lượng nước tưới sẽ tuỳ thuộc vào mùa trong năm. Vào mùa mưa, nên tưới nước 1-2 lần/ngày hoặc không cần tưới nếu mưa nhiều. Vào mùa nắng, nên tưới nước cho cây từ 1-2 lần hoặc 2-3 lần/ngày, tuỳ thuộc vào điều kiện thời tiết.
- Nên tưới nước vào sáng sớm hoặc chiều tối để tránh làm xót rễ, gây chết cây.
- Hạn chế làm ướt lá cây để tránh sự hình thành của nấm bệnh.
- Sau khi cây đã bén rễ và phát triển ổn định, nên áp dụng phương pháp tưới nhỏ giọt để đảm bảo độ ẩm cho đất.
- Trong điều kiện thời tiết nắng nóng, có thể phun nước lên cây để làm mát cây.
- Đảm bảo nước tưới cây là loại nước sạch, không chứa các loại vi khuẩn, nấm mốc gây hại và cần cách xa các nguồn rác thải chưa xử lý.
Phân bón:
- Bón phân cho cây hoa cẩm chướng đỏ nhằm bổ sung dưỡng chất, giúp cây phát triển tốt và đồng đều.
- Tiến hành bón lót cho cây trong giai đoạn nảy mầm để cây nhanh phát triển tươi tốt.
- Trong giai đoạn nở hoa, tiếp tục bón thúc sẽ giúp cây ra hoa nhiều và đảm bảo chất lượng của từng bông hoa.
- Hàm lượng phân bón như sau: Phân chuồng từ 100 – 120 m3/ha; Vôi từ 1000 – 1500 kg/ha; Phân vi sinh khoảng 300 kg/ha; Magiê sulphat từ 80 – 100kg/ha và Phân hoá học 300 N – 200 P2O5 – 250 K2O.
Giăng lưới:
- Là loài cây thân thảo nên thân cây hoa cẩm chướng đỏ khá mềm và yếu. Do đó, cần giăng lưới cho vườn để giúp cây không bị ngã đổ khi chăm sóc, cũng như khi thu hoạch.
- Các bạn có thể dùng lưới bằng dây cước, dây dù hoặc dây kẽm đều phù hợp.
- Các lỗ trên lưới có kích thước 20 x 20 cm, sẽ giúp cây được nâng đỡ và có không gian để phát triển toàn diện.
- Giăng lưới cho vườn cây cần giăng 2 lớp. Lớp lưới đầu tiên sẽ giăng sau khi cây cao khoảng 20cm. Giăng lưới đợt 2 khi cây cao từ 30 – 40 cm.
Bấm ngọn, tỉa cành:
- Khi cây cao khoảng 20cm, cần bấm ngọn để các nhánh bên phát triển tốt, giúp ra hoa hàng loạt.
- Tiến hành tỉa bỏ phần chồi nách để hạn chế phát sinh sâu bệnh. Không những thế, nếu để nguyên chồi nách sẽ tiêu hao rất nhiều dinh dưỡng, khiến cành hoa phát triển chậm và chất lượng bông hoa không đạt yêu cầu.
- Tỉa bỏ chồi nách một cách cẩn thận để tránh làm tổn hại đến phần thân chính. Sau công đoạn tỉa nhánh, cần tiến hành phun thuốc để phòng trừ nấm bệnh phát sinh.
- Với loại hoa đơn, nên tỉa bỏ các nụ bên để nụ chính phát triển to và khoẻ mạnh.
- Ngược lại, với loài hoa kép, nên tỉa nụ chính để các nụ còn lại phát triển tốt và đồng đều.
Phòng trừ sâu bệnh:
- Các biện pháp phòng trừ sâu bệnh giúp cây hoa phát triển tốt và không bị tác động bởi những sinh vật gây hại xung quanh môi trường sống.
- Nên sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật được cấp phép ở Việt Nam để đảm bảo chất lượng và an toàn với cây.
- Với các loài sâu đất, có thể dùng các hoạt chất phòng trừ như: Diazinon, Abamectin,…
- Để loại trừ các nhóm sâu ăn lá, nên dùng hoá chất như: Emamectin, Cypermethrin, Abamectin,…
- Để phòng trừ rầy mềm, có thể dùng Abamectin, Cypermethrin hoặc Emamectin benzoate,…
- Giữ cho môi trường thông thoáng và sử dụng Imdacloprid, Abamectin, Cypermethrin,… để phòng chống bọ trĩ.
- Ngoài ra, các bạn cũng cần tìm hiểu về các loại thuốc bảo vệ thực vật để phòng ngừa bệnh thối thân, héo rũ, bệnh lở cổ rễ,…
Hoa cẩm chướng đỏ là loài hoa được rất nhiều người yêu thích bởi vẻ đẹp quyến rũ và nổi bật. Qua những thông tin vừa được chia sẻ, Floli mong rằng có thể cung cấp cho bạn đọc thêm nhiều kiến thức hữu ích về ý nghĩa, đặc điểm, công dụng, cũng như kinh nghiệm trồng loài hoa này.
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn